Thanh xuân của làng

Tuổi rừng tính ra hơn tuổi người, tuổi cây cũng hơn… Người làng Đông Dương, xã Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã dùng sức lực của từng con người nhỏ bé để bảo vệ khu rừng hơn 500 tuổi có diện tích hơn 60ha, trong đó hơn 10ha là rừng tự nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng nguyên sinh Đông Dương có hơn 150 cây dược liệu, rất nhiều cây dược liệu quý hiếm.
Rừng nguyên sinh Đông Dương có hơn 150 cây dược liệu, rất nhiều cây dược liệu quý hiếm.

Tâm niệm “Rừng mất thì làng mạt”

Hơn 10ha rừng nguyên sinh với loài trâm bầu xanh thẳm nối nhau từ đồi cát này đến vùng cát nọ, có cây hơn 300 tuổi vài người ôm không xuể. Cùng các chủng thực vật như cây trai, cây trổ… thường phân bố ở vùng đất thịt cũng có mặt ở khu rừng nguyên sinh Đông Dương này. Hơn 150 loại dược liệu, trong đó có dược liệu quý đều góp mặt. Đặc biệt là những cây gỗ quý như dổi, đa cổ thụ, trầm ná, lộc vừng và gõ - loại gỗ quý ít khi phân bố trên vùng đất cát nhưng lại có mặt ở đây.

“Rừng mất thì làng mạt”, hơn hai thế kỷ có làng, có người thì từng cái cây hữu ích được người dân di dưỡng. Anh Phan Văn Hòa, sinh năm 1970, hậu duệ của bậc tiền nhân khai khẩn ngôi làng hơn 200 năm lịch sử tâm sự: “Xưa nay, việc giữ rừng được đưa vào hương ước của làng xã, bảo vệ rừng là bảo vệ làng, phá rừng đồng nghĩa với phá làng nên ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định…”.

Từ những cây con, được chăm giữ nay đã thành cây trăm năm tuổi. Đời này sang đời khác, những lớp người từ nhiều dòng họ đã chung sức bảo vệ rừng. Thanh xuân của họ chính là rừng Đông Dương, cuộc sống của họ chính là khu rừng đó. Rừng chắn cát, giữ độ ẩm cho một vùng đất cát tưởng như chẳng làm nên áo cơm thì người dân hưởng lợi gián tiếp từ rừng để có thể sản xuất hoa màu, rau củ quanh năm. Giữa mênh mông cát trắng có hàng trăm vườn rau xanh mướt, từng giàn mướp, ruộng màu… nối nhau tít tắp giúp hơn 200 hộ với hơn 700 người dân có thu nhập ổn định. Trưởng thôn Đông Dương Hoàng Gia Linh chia sẻ: “Tôi thuộc lớp người đi sau, từ khi lập làng đến nay đã có rất nhiều lớp người cống hiến, chăm sóc, bảo vệ rừng. Giữ được rừng như hiện nay nhờ văn hóa ứng xử của từng người dân, nhờ hương ước và trên hết là tấm lòng của người làng đối với rừng. Cây nhỏ chăm sóc, cây lớn giữ gìn, cây bị hại thì bà con tổ chức cứu cây”.

Chuyện người cứu cây

Có những chuyện kể gần như giai thoại đầy nghĩa tình. Nguyên Trưởng thôn Phan Kim Khánh kể về câu chuyện người ra sức cứu cây: khu rừng Đông Dương có hai cây gỗ quý mọc song song mà người làng quen gọi là cây “Song Mã”. Hai cây ở gần bờ sông, là biểu tượng cho sự trù phú của làng. Khoảng năm 1976, các đối tượng đã nhiều lần chờ đến đêm, nhất là vào mùa mưa để đốn trộm. Nhiều lần như thế, người làng ra sức bảo vệ nhưng các đối tượng giở trò vào ban đêm mưa gió nên đã đốn trộm một cây trong mùa lũ. Giờ cây còn lại đã lớn vượt tầm người ôm, cả làng vẫn cùng nhau ngày đêm bảo vệ, vẫn gọi là “Song Mã”. Bởi tên gọi đã thành quen và trong ký ức của bà con, cây “Song Mã” đã bị đánh cắp kia vẫn còn như hình bóng của người thân nên họ không gọi cây còn lại là “Độc Mã”. Bên bến sông, ông Khánh bùi ngùi thấm câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, mong rằng sự đúc kết từ nghìn xưa là châm ngôn sống cho mỗi người, đừng tham, nhất là tham của rừng…

Năm 2015, cây gụ lau (thuộc họ đậu, có tên trong khoa học là Sindora Tonkiensis A. Chev) đường kính khoảng 0,8m trong rừng nguyên sinh Đông Dương bị lâm tặc đẽo gốc. Phần vỏ ở gốc bị đẽo, cây sẽ chết nếu không lấy được dinh dưỡng từ thân rễ. Hồi đó, ông Khánh kể, khi phát hiện ra được “vết thương” của cây, nhiều người dân được sự giúp sức của ngành lâm nghiệp, trong đó có các cán bộ đầu ngành của Trường đại học Lâm nghiệp Huế nên cây được cứu. Nay cây gụ lau đã trở lại trạng thái bình thường và sinh trưởng tốt. Kiểm lâm địa phương đã gắn chíp để theo dõi, bảo vệ một số chủng thực vật quý hiếm trong rừng Đông Dương nên hạn chế được nạn xâm hại rừng, người dân cũng bớt lo hơn. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Dương vui mừng: “Cây gụ lau đó to hết cỡ rồi, là cây gỗ quý trong hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp nên lâm tặc thi nhau dòm ngó. Bà con ở thôn đã cử ra một đội tuần tra bảo vệ tám người, thay nhau quản lý và bảo vệ rừng cho chắc ăn”.

Trong rất nhiều lý do khiến người làng bảo vệ rừng, có một điều thuộc về tâm linh. Đó là hàng nghìn ngôi mộ của các dòng họ: Phan, Hoàng, Trần, Đoàn, Nguyễn… nằm rải rác giữa rừng nguyên sinh Đông Dương. Theo chân anh Phan Văn Hòa, chúng tôi được chứng kiến những ngôi mộ lớn nhỏ, có cả những ngôi mộ tổ như của dòng họ Phan, tọa lạc giữa khu rừng nguyên sinh với bia mộ trang nghiêm. Anh Hòa cho hay: “Họ Phan là dòng khai khẩn ở làng Đông Dương, đây là ngôi mộ tiền khai khẩn. Với người Việt, mồ mả ông bà tổ tiên và người thân là nơi bất khả xâm phạm”.

Chia tay anh Hòa, chia tay người làng Đông Dương, những người bảo vệ rừng giữa chốn đồng bằng, chúng tôi mang theo bài học về trách nhiệm của con người trước thiên nhiên, trước cộng đồng. Đó là, giữ được rừng thì thanh xuân con người ở lại.