Xe vượt cầu vào ngày thứ bảy mà vẫn đông nghịt người và xe. Anh Trần Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giải thích: Mấy năm gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, khách du lịch bốn phương… về Bến Tre tăng lên, khiến cho cầu Rạch Miễu vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ tan tầm xuất hiện nạn kẹt xe cục bộ. Vì vậy, được sự trợ giúp của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh đang triển khai Đề án xây cầu Rạch Miễu 2 nhằm khắc phục nhanh nạn ùn tắc, vừa mở rộng kết nối tuyến giao thông sang TP Cần Thơ và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ sau hai ngày đi họp ở An Giang, Vĩnh Long, đã tranh thủ tối đa thời gian để bàn sự liên kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế-văn hóa trong vùng. Về đến trụ sở, anh tiếp tôi, giọng cởi mở:
- Tôi biết đây là lần thứ sáu nhà báo thăm Bến Tre. Chắc rằng những đặc điểm về vùng đất và con người xứ dừa này không lạ lẫm với anh. Tôi chia sẻ điều mà nhà báo đã điện trước cho Văn phòng Tỉnh ủy về những mong muốn của anh trong chuyến đi thực tế lần này, nhất là câu hỏi: “Nét mới nhất trong năm 2022 của tỉnh là gì?”. Tôi xin được trả lời vắn tắt: Đó là ngay từ đầu năm, toàn tỉnh đã phát động “Phong trào Đồng khởi mới” với phương thức triển khai bằng phương châm “Hai chân, ba mũi”. “Hai chân” là tiến hành đồng thời và vững chắc công tác xây dựng Đảng cùng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Còn nội dung của “ba mũi” là: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tôi đã nhắc Văn phòng gửi anh các tài liệu này, nhưng phong cách nhà báo là “đi - nghe - viết”, do vậy, tùy anh chọn những nơi cần đến để “mắt thấy tai nghe”…
Trước khi làm việc với anh Thọ, tôi đã cùng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tú Anh và các đồng nghiệp báo, đài của Bến Tre đi thăm xã Phú Túc, huyện Châu Thành - nơi đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và hiện đang phấn đấu thành “nông thôn kiểu mẫu”. Đây là xã có hơn 6.000 dân, nằm dọc sông Tiền, đã và đang tận dụng thế mạnh là nghề nuôi cá lồng (chủ yếu là cá ba sa) để xuất khẩu. Bí thư Đảng ủy Phan Văn Như Hùng cùng Chủ tịch UBND Phan Thanh Long hào hứng dẫn đoàn đi dọc ngang nhiều xóm, ngõ với phương châm “thăm nhà ai không báo trước” để đoàn hiểu đúng sự thật. Vì vậy, một số chủ nhà đầu giờ sáng còn ở chợ bán cá hoặc giải quyết công chuyện gì đó, thì đoàn chủ động ra trước một số nhà nuôi cá lồng tham quan và nghe lãnh đạo xã giới thiệu khái quát. Thật thích thú khi đứng giữa các nhà mái lá dựng trên hệ thống phao, phóng tầm mắt ra hai bờ tả hữu sông Tiền khi ánh mặt trời lấp loáng phía thượng lưu, tôi ngạc nhiên khi Bí thư Đảng ủy Hùng cho biết, đến nay, Phú Túc đã có trên dưới 500 lồng nuôi cá da trơn san sát nối nhau trải dọc hai bờ, thi thoảng có nhà lồng đỏ tươi mái ngói. Thì ra, bằng nghề này, thu nhập bình quân hằng năm gấp hai, ba lần cấy lúa, trồng cây ăn quả. Nhưng để “chắc ăn”, hầu như nhà nào cũng “đi hai chân”, vừa nuôi cá, vừa chăm cây, cấy lúa…
Đang say sưa đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề thì anh Huỳnh Minh Ý, một chủ nhà vườn du lịch sinh thái của xã, vừa đi công chuyện về, chạy xuống đon đả mời đoàn lên thăm nhà cách đó hơn 500m. Từ đường tỉnh lộ rẽ vào là đất nhà anh, con đường đi vào nhà được thiết kế theo kiểu độc đáo, chỗ cao, chỗ thấp, khi uốn lượn, lúc thẳng băng, có những viên gạch vuông vức đặt nối nhau để khách không bị dính bùn đất lúc trời mưa. Đoàn đi qua các khu nhà nghỉ, có cổng xây đơn giản nhưng đẹp mắt, được ghi số thứ tự. Có nhà nghỉ dành cho một cặp vợ chồng, có nhà dành cho cả gia đình 4-5 người với đủ tiện nghi cần thiết. Trừ buổi sáng khách ăn theo chế độ buffet, còn bữa trưa và bữa tối nếu khách muốn ăn tại nhà thì đặt món, chủ nhà đáp ứng mọi yêu cầu với giá phải chăng. Ở khu trung tâm có bể bơi, nước xanh trong, bên cạnh là một dãy ghế ngả lưng cho khách nghỉ ngơi và đọc sách. Bên một con rạch, một chiếc ca-nô có mái che và ghế ngồi phục vụ nhu cầu khách đi dạo dọc sông, ngắm các miệt vườn sum suê hoa trái…
Trong căn nhà dựng bên kênh, quanh bàn trà rộn rã câu chuyện giữa chúng tôi và chủ nhà vườn:
- Xin anh cho biết, anh học mô hình này từ đâu? - Tôi hỏi.
Trầm ngâm một lúc, anh Ý mới thong thả kể: Nếu nói từ một địa điểm cụ thể nào thì rất khó, bởi lẽ mô hình này là sự trải nghiệm của bản thân qua nhiều nơi. Tôi đã từng phục vụ trong một số khách sạn, từng dẫn khách đi thăm nhiều mô hình nhà nghỉ. Cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm, có lúc muốn bỏ nghề vì quá vất vả. Nhưng rồi sau nhiều ngày đêm đau đầu tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao ba má để lại cho mình hàng nghìn m2 cây trái thế này, mà không biết tận dụng làm ra đồng tiền chân chính? Tôi quyết định dựng các dãy nhà nghỉ trên mảnh đất sẵn có. Vậy là từ “cái khó ló cái khôn”, tôi vận dụng tất cả kiến thức thu lượm từ những ngày phục vụ khách sạn và đi tham quan các nơi để tự vẽ các mô hình nhà nghỉ phù hợp miệt vườn. Được lãnh đạo địa phương cổ vũ và tạo điều kiện, tôi thuê lao động mở đường, dựng nhà, xây bể bơi và làm mọi khâu dịch vụ… Năm qua, tôi đón hàng chục du khách từ Nga, Séc, Hungary… sang nghỉ. Lúc về, ai cũng ghi vào Sổ góp ý với những lời khen ngợi và cảm ơn…
Trở về Tỉnh ủy, tôi trao đổi ý kiến với chị Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về mô hình du lịch sinh thái này, chị cho biết: Tỉnh cũng đang chỉ đạo thí điểm nhiều loại mô hình khách sạn vườn. Có khu du lịch với quy mô lớn, như Công ty Lô Hội, có hàng trăm phòng cho khách VIP và khách phổ thông, có nhiều phòng họp phục vụ một số cơ quan đến hội thảo, hoặc mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ từ 1-2 tuần kết hợp nghỉ dưỡng. Còn mô hình như của anh Ý thì dễ mở rộng, nhưng muốn phát triển mạnh phải giải quyết đồng bộ cả khâu vi mô và vĩ mô, đòi hỏi các ngành, nhất là ngành du lịch, văn hóa phải khảo sát, tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách…
Qua một năm thực hiện “Phong trào Đồng khởi mới” với chủ đề của năm 2022 là “Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”, gồm 25 chỉ tiêu, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong Nghị quyết số 08-NQ/TU, Bến Tre đang tạo ra sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực… Đúng vào những ngày này, một tin vui làm nức lòng người dân xứ dừa: Bến Tre chính thức xuất khẩu lô hàng bưởi da xanh đầu tiên sang Hoa Kỳ. Trên cơ sở này, tỉnh sẽ tiếp tục xuất khẩu xoài, chôm chôm… Từ thực tiễn năm 2022, càng minh chứng một luận điểm: Muốn khơi dậy nội lực trong “Phong trào Đồng khởi mới” cần coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là “điểm tựa” thúc đẩy ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, không chỉ là gương mẫu, tiên phong, mà còn là thái độ dũng cảm trong tự phê bình và phê bình, nhất là thái độ đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ lợi dụng chức quyền, xa dân, vi phạm những điều đảng viên không được làm…
Tất cả những thành tựu đã gặt hái khá toàn diện trong năm, đã và đang chứng minh tính đúng đắn của chủ trương “Đồng khởi” mới, từ công tác tư tưởng đến việc tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể.
Xứ dừa đã và đang bước vào năm Mão với sung lực mới, triển vọng mới!