Người H’Mông đón Tết sớm
Đồng bào H’Mông đón Tết cổ truyền trước Tết Nguyên đán một tháng. Bà con ăn Tết to và tưng bừng trong suốt ba ngày (từ ngày 30/10 đến hết ngày mồng 3/11, tính theo lịch âm). Mọi người sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi chơi xuân trong rừng mận, rừng mơ rồi tụ ở những bãi cỏ ngập nắng để thi múa khèn, thổi kèn lá, hát giao duyên, chơi những môn thể thao tập thể như đánh cù, đá bóng. Cả năm vất vả, Tết là thời điểm nhàn hạ để đi thăm, chúc tụng, thết đãi nhau những món ăn truyền thống cũng như mời nhau những bát rượu bung biêng.
Có nhiều thứ thay đổi trong quãng thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Mọi giao tiếp xã hội đều bị cắt đứt, các gia đình bị phân ly bởi giao thức phòng, chống dịch bệnh, từng bản làng đều bị phong tỏa nên Tết năm 2021 đã diễn ra trong trầm lặng. Trở lại Mộc Châu vào mùa xuân năm nay, tôi được sống lại không khí Tết vui tươi đúng như nó phải có. Vẫn bầu trời xanh ngắt chan nắng vàng, vẫn rừng mơ huyền ảo sắc trắng hồng, vẫn rặng đào đỏ thắm trên nền đá đen, vẫn vườn mận trắng lấp lánh trong sương sớm nhưng không gian ngập tràn phấn khởi. Giá trị đích thực ngày Tết ở đây là sự kết nối cộng đồng. Không có sự kết nối ấy, không có sự cộng cảm của họ hàng, làng xóm thì không còn là Tết.
Tết của đồng bào H’Mông năm nay rất to. Những lá bùa dán trên cánh cửa năm ngoái được thay bằng những tờ giấy đỏ tươi mới. Cánh đàn ông gọi nhau giết bò, mổ lợn, làm gà cúng rồi hăm hở đi giã bánh dày, món ăn đặc trưng nhất trong ngày Tết truyền thống. Nhà bà Sùng Thị Giá ở bản Tà Phềnh năm nay vui hơn vì người thân đi làm ăn xa cũng đã kịp về ăn Tết, bù cho lần vắng mặt của năm ngoái. Những chén rượu ngô đầy tràn bên những tàu lá chuối trải đầy thịt. Ngoài bãi cỏ, đám thanh niên đang ríu rít dựng cây đu và cây còn. Chỗ đấy, ngày mai sẽ dập dìu những sắc mầu thổ cẩm sặc sỡ của thiếu nữ đi hội trong tiếng khèn mê đắm của đám thanh niên bản.
Tết Kate tưng bừng
Cũng bởi đại dịch Covid-19 mà Tết Kate năm 2020 và 2021 của người Chăm ở Ninh Thuận không được tổ chức. Diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch), Tết Kate chính là dịp để người Chăm làm lễ cùng tưởng nhớ tổ tiên, thần linh, vua chúa xưa. Nét đặc sắc của Tết Kate là đoàn rước y trang. Đám rước sẽ đưa y trang lên tháp, sau đó làm lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng vua và mặc y phục cho tượng) và đại lễ chính. Sau khi tổ chức đại lễ Kate trên tháp, người Chăm mới lần lượt tổ chức Kate làng, Kate dòng tộc và cuối cùng là Kate gia đình. Covid-19 đã khiến cho Tết Kate bị đình trệ trong suốt hai năm. Đó là tổn thất tinh thần to lớn bởi càng vào lúc gian khó, con người càng có nhu cầu tìm kiếm chỗ dựa từ giá trị truyền thống và tổ tiên để vượt qua nghịch cảnh. Vào ngày Tết cổ truyền, những lễ hội truyền thống chính là nơi mà con người có thể tìm thấy giá trị đó một cách dễ dàng nhất, gần gũi nhất.
Tết Kate của người Chăm Bà La Môn ở tỉnh Ninh Thuận năm nay đã trở thành lễ hội của một cộng đồng rộng lớn. Người Chăm Bà Ni, người Raglei, khách du lịch từ thập phương đã nô nức hòa trong những đám rước lớn lên tháp Pô Klông Garai và tháp Pô Rô-mê để được sống trong âm thanh tưng bừng của tiếng đàn kanhi, tiếng kèn saranai và tiếng trống ghi-năng huyền diệu.
Mạch sống của dân tộc là một dòng chảy bền bỉ và bất diệt. Những khó khăn, thách thức có thể che lấp nhưng không thể nào tuyệt diệt dòng chảy đó. Khi trời đất vào xuân, lòng người rộn ý, mạch sống đó sẽ bật lên như chồi non, như mầm cây để hòa vào mùa xuân của một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến tự cường.
Tết Kate của người Chăm, Tết của người H’Mông, Tết Xập Xí của người Thái, Tết Nguyên đán của người Việt chính là những sợi chỉ xuyên suốt tạo nên bản sắc của từng dân tộc và của cả đất nước.