1/Thư tịch sớm nhất miêu tả Tết ở Hoàng thành Thăng Long là cuốn “An Nam chí lược”, viết năm 1335, đã mô tả vương triều Trần đón Tết: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động Nhân, bái yết tiên vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ Khu Na (đuổi ma quỷ). Ngày Nguyên đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử, các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu vua, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra. Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến hai mươi sợi”.
Không có những dòng hồi ký sinh động về Tết trong vương triều thời Lý như ở thời Trần, nhưng lại có đôi dòng để lại về thú chơi đèn độc đáo trong Hoàng cung. Qua văn bia ở chùa Long Đọi (Hà Nam), ta biết được về hội đèn Quảng Chiếu: “Hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là hơn xa chế độ xưa nay, vượt hẳn sinh thành tạo hóa. Dồn thú vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày. Thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại”. Cột treo đèn này được dựng giữa sân Long Trì, tổ chức vào năm Canh Tý, 1120 và Bính Ngọ, 1126 dưới triều Vua Lý Nhân Tông, kéo dài tới bảy ngày đêm.
Trong dịp Tết, các vua Lý cũng có tục đi cày tịch điền. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại: năm 1030, Lý Thái Tông cày tịch điền ở Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình hiện nay). Năm 1032, vua đi cày tịch điền ở Đỗ Động Giang. Năm 1038, vua lại ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền và chủ trì lễ tế Thần Nông. Năm 1148, Vua Lý Anh Tông lại ngự đến hành cung Ly Nhân để cày tịch điền.
Các vua Lý đã làm gương cho thần dân của mình, mà đa số là nông dân, đi cày ruộng vào mùa xuân, đề cao nông nghiệp là ngành sản xuất căn cơ của đất nước. Tục cày tịch điền có từ đời Vua Lê Đại Hành, vào năm 987, lần đầu vua cày tịch điền ở Núi Đọi (Hà Nam). Tục này còn thấy ở nhiều vương triều sau đó nữa, thí dụ ở thời Lê Thánh Tông, mùa xuân, tháng Giêng, vua thân hành cày tịch điền và đốc suất các quan cày. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã miêu tả nghi lễ tịch điền dưới thời Vua Lê Thần Tông đầu thế kỷ XVII: đúng ngày mồng ba Tết, có hàng nghìn binh sĩ mang khí giới tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi cày tịch điền, có khoảng ba trăm vị quý tộc đi ngựa, cưỡi voi đi cùng. Tới một thửa ruộng ngoại thành, nhà vua bước xuống từ một ngai vàng lộng lẫy nhiều người khiêng, làm lễ và xuống ruộng cầm cán cày được chạm trổ và trang trí nhiều mầu để cày ruộng vài phút, coi đó là biểu tượng mong cho nông nghiệp được mùa.
Triều Nguyễn xây cả một tòa nhà to lớn ngay trong thành nội làm Thế Miếu, để bàn thờ và linh vị các vua triều Nguyễn, trước sân lại bày 9 chiếc đỉnh đồng tượng trưng cho sự trường tồn của xã tắc. Tết đến, các vua Nguyễn đều đến đây để thắp hương cho Vua Gia Long và dòng tộc nhà Nguyễn. |
2/Dịp Tết trong Hoàng cung còn một nghi lễ quan trọng nữa là Tế Giao, tức tế Trời Đất. Năm 1402, Hồ Hán Thương đã cho đắp đàn Giao ở núi Đốn Sơn, phía nam thành nhà Hồ để làm lễ Tế Giao. Vừa qua, khảo cổ học cũng đã tìm thấy di tích đàn tế này trên đỉnh núi Đốn Sơn và bộ xương trâu ở khu vực đàn tế, có thể liên quan đến nghi thức hiến tế trâu trong lễ. Vua Lê Thánh Tông cũng tổ chức lễ Tế Giao vào năm 1473. Tại Thăng Long, các vương triều Đại Việt cũng cho xây đàn Nam Giao ở vị trí ngày nay là tòa nhà Vincom Bà Triệu, nay còn di tích một tấm bia Nam Giao còn nguyên vẹn, niên đại năm 1679 ghi lại việc xây dựng đàn. Ngày đầu năm, vua tới đây để làm lễ tế trời đất cầu cho quốc phú dân an. Đến thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Huế. Vua Gia Long đã cho xây dựng đàn Nam Giao từ năm 1806 tại xã Dương Xuân (nay thuộc phường Trường An, TP Huế). Đàn được xây dựng quy mô, cảnh quan nổi bật nhờ trồng nhiều cây thông cổ thụ. Cứ đến dịp Tết, vua Nguyễn cùng các đại thần đến làm lễ tế Giao.
Một nghi lễ rất quan trọng đối với vương triều là lễ cúng tổ tiên, bắt nguồn từ phong tục tưởng nhớ tổ tiên truyền thống của người Việt. Đại Việt sử ký toàn thư còn kể chuyện Vua Lê Nhân Tông “đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơn Lăng và ra lệnh cho quan coi lăng ở Lam Sơn rằng: Mọi việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết như ngả cây, chặt tre, kiếm củi... Tế tẩm miếu dùng bốn trâu, gióng trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng. Khu Lam Sơn chính là nơi an táng Vua Lê Thái Tổ và những vị vua đầu triều Lê. Dịp xuân về cũng là lúc các vua Lê về làm lễ cúng bái cho các vị tiên vương.
Thời Nguyễn, trước Tết một tháng, có nghi lễ “Ban Sóc” tức là ban lịch mới một năm cho các địa phương. Tiếp theo là lễ “Phong Ấn” vào ngày 25 tháng Chạp, ấn triện, kim sách, kim bảo được lật ngược và cất vào hộp, niêm phong bằng hai chữ “Hoàng Phong” đúng một tháng, cũng là thời gian đóng cửa công đường. Ngoài ra, còn có văn bản quy định về nghi lễ Tuế trừ (buổi sáng), Trừ tịch (buổi tối), bắn pháo, giờ mở cửa thành; quy định về lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), Hạ tiêu (hạ nêu) phải chọn ngày giờ tốt do cơ quan Khâm Thiên Giám ban hành. Vào ngày mồng một Tết, việc đầu tiên của năm mới là nhà vua đến thăm hoàng mẫu, có lễ nghi chào năm mới bằng bảy phát pháo.
Dịp Tết cũng là dịp các vua Nguyễn ban thưởng cho các quan văn, võ trong triều theo thứ bậc, cao nhất là 20 lạng bạc và ban thưởng yến tiệc. Vua cũng có lệnh ban thưởng cho người từ 80 tuổi trở lên các tấm lụa và gạo. Những quan lính ở biên thùy cũng được chúc Tết và ban yến.