Khôi phục “gạch nối” từng bị lãng quên
Những ngày đầu mới bước vào con đường sưu tầm khoảng năm 1997-1998, anh Ngọc cùng một số người bạn cùng sở thích là nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương và anh Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên chính Cục Di sản, thường xuyên mày mò, theo những người sưu tầm và mua bán đồ cổ. Khi ấy, sắc phong liệt vào “hàng giấy”, ít được quan tâm. Tới khoảng năm 2004 trở đi, khi đời sống tâm linh của người dân, đặc biệt ở làng, xã được nâng lên, thì sắc phong cũng dần được quan tâm hơn. Cũng vì thế giá trị của sắc phong tăng dần, có những lúc giá mỗi sắc phong là hơn một chỉ vàng thời điểm đó. Giá trị tăng nhưng việc bảo vệ lại yếu kém, lơ là đã dẫn tới tình trạng trộm cắp, thất lạc nhiều sắc phong ở không ít làng trong thời gian dài.
Theo anh Dũng, các thông tin về lịch sử, niên đại của sắc phong đạt độ chính xác tuyệt đối từ ngày, tháng, năm. Hình thức sắc phong như hoa văn, họa tiết, đặc biệt là hình tượng con rồng, đều mang dấu ấn tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử. Sắc phong có rất nhiều loại, cụ thể như đạo sắc phong dành cho các vị nhiên thần, nhân thần; sắc phong dành cho quan lại hoặc sắc phong các vị có công với dân, với nước, thậm chí có cả sắc phong cho người dân thường… Nhóm của anh đặc biệt dành sự quan tâm đối với sắc phong dành cho các vị thần, bởi loại sắc phong này vừa kết tinh giá trị tâm linh, tín ngưỡng rất mạnh của làng, xã lại vừa hội tụ nhiều lớp bề dày văn hóa, lịch sử nhất theo từng giai đoạn hoặc triều đại. Sắc phong cho các vị phúc thần được chia làm ba cấp: hạ đẳng phúc thần, trung đẳng phúc thần và thượng đẳng phúc thần, kèm theo đó là những quy ước khác nhau về họa tiết tứ linh, mỹ từ...
Ngày trước, anh Khương từng phải xoay xở bằng cách dùng tiền mừng cưới chính mình, hay như anh Ngọc đã từng cắm sổ lương đi vay ngân hàng để mua những sắc phong. Nhiều hội nhóm và cá nhân như anh Khương, anh Ngọc không phải những người có điều kiện kinh tế dư dả, nhưng đối với họ bộ sưu tập đạo sắc phong được trân quý giống như “máu thịt”. Từng có nhóm buôn cổ vật ở TP Hồ Chí Minh muốn mua lại 22 đạo sắc phong với giá một cây vàng mỗi đạo sắc phong nhưng anh Khương nhất định không bán.
Trăn trở cùng sắc phong
Đã có nhiều nhóm người yêu văn hóa, lịch sử được thành lập để cùng chia sẻ thông tin, tìm hiểu về vẻ đẹp, giá trị của sắc phong trên các mạng xã hội và ngoài đời. Đây cũng là những kênh thông tin quan trọng giúp nhiều đạo sắc phong trở về với cội nguồn. Ngoài Hội mê sắc phong với hơn 5.000 thành viên, cũng có nhiều nhóm lớn khác trên cả nước hoạt động tích cực trong việc trao trả sắc phong như Cổ Nguyệt Đề tại Thanh Hóa, nhóm của anh Bùi Quang ở Nam Định, và nhóm Nhân sĩ Hà Đông.
Các tổ chức văn hóa nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm tới di sản văn hóa này của Việt Nam, cụ thể vào tháng 11 vừa qua, văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) cũng được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực. Tuy nhiên, điều khiến những thành viên “Hội mê sắc phong” lo lắng nhất hiện tại chính là thực trạng bảo quản thực tế các sắc phong ở làng, xã. Anh Khương nhớ lại: “Từng có đoàn công tác nước ngoài tới Thư viện quốc gia phục chế một cuốn sách cổ hơn 100 trang với khoảng hơn 150 năm tuổi đã cần tới hơn 10 chuyên gia và máy móc riêng biệt, từ việc tách trang, khử axit, diệt nấm mốc, cho tới làm vững lại các liên kết xenlulô… Từ đó có thể thấy, việc phục chế đối với giấy sắc phong có tuổi đời toàn trên dưới 200-300 năm là cực kỳ tốn kém, khó khăn hơn nhiều. Nếu chưa thể phục chế lại do thiếu kinh phí, thiếu máy móc và chuyên gia thì việc bảo quản hiện trạng càng trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, việc bảo quản hầu như tự phát bằng cách thông thường như ép plastic, rắc thuốc chống mối mọt, chống ẩm không đúng cách…”.
Mặc dù trong nước có Viện Công nghiệp giấy và Xenlulô, đã có dự án nghiên cứu về giấy dó, nhưng kinh phí phục chế vẫn là rào cản lớn nhất. Ngoài ra, cũng chưa có một nghiên cứu, thống kê khoa học lớn nào về hệ thống tất cả sắc phong trên cả nước do các chuyên gia thực hiện. “Đơn cử như giấy sắc phong thời Hậu Lê, được coi là đỉnh cao của kỹ thuật làm giấy dó bền tới hơn 400 năm nhưng mỏng mềm như lụa, khiến nhiều chuyên gia nước ngoài sửng sốt, cũng chưa có nhà nghiên cứu trong nước nào thật sự tìm hiểu sâu, thậm chí các nghệ nhân làng chuyên làm giấy dó Trung Nha (Hà Nội) cũng không thể phục chế lại được. Đó là một sự “đứt gãy” rất đáng tiếc của một nghề truyền thống quý giá”, anh Ngọc bày tỏ.
Có thể nói, giá trị và số lượng sắc phong trên cả nước là rất lớn, không thể chỉ “cậy nhờ” mãi vào tấm lòng của những cá nhân và hội nhóm yêu văn hóa. Đã tới lúc các ban, ngành liên quan vào cuộc, xây dựng phương án khảo sát, thống kê quy mô hơn, kịp thời bảo vệ những di sản quý giá này.
Các thành viên “Hội mê sắc phong” đã đề xuất một vài phương án bảo quản, bảo vệ các sắc phong phù hợp. Nếu dựa vào kinh phí Nhà nước, có thể tham khảo bài học của một số quốc gia châu Á là thu hồi tất cả sắc phong bản gốc trên cả nước để bảo quản tập trung tại một nơi được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất, do các chuyên gia đầu ngành giám sát. Các địa phương sẽ nhận được bản sao để tiếp tục thực hiện các hoạt động tín ngưỡng văn hóa. Trong khi phương án thứ hai có thể “giảm tải” cho ngân sách thông qua việc tận dụng kinh phí xã hội hóa. Hiện tại, người dân các địa phương có sắc phong sẵn sàng đóng góp để bảo quản, nhưng họ vẫn mong chờ kiến thức bảo quản chuyên môn, sự tham vấn từ các chuyên gia Cục Di sản văn hóa hay Viện Hán Nôm cùng với sự tham gia bảo vệ của cơ quan công an, phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở để ngăn chặn tình trạng hư hại, thất thoát di sản quý giá này.