Áo Tết

Năm ấy, sáng mồng Một, mưa phùn lắc rắc, mẹ ân cần dẫn ba anh em tôi đi chơi Tết nhà ông bà ngoại ở giữa làng. Con đường men theo bờ đầm ngập tràn cỏ dại và những khóm rau khúc tươi non. Thỉnh thoảng là các ô mạ xanh rờn chờ hết đợt rét sẽ được đưa xuống cấy. Đàn én trao liệng rộn rã không trung.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN

Chúng tôi hớn hở trong những bộ cánh mới tung tẩy bước theo gót chân mẹ. Mỗi đứa diện một chiếc quần phăng mầu tím than và chiếc áo sơ-mi dài tay cổ bẻ. Áo tôi mầu vàng, cậu em sau tôi mặc mầu be, còn đứa em trai út diện áo mầu tím. Chúng tôi lí nhí cất lời chào và chúc Tết ông bà theo lời dặn dò của mẹ. Ông bà đứng chờ sẵn ở bậc cửa, ánh mắt hiền từ, lần lượt xoa đầu từng đứa, mang bánh, kẹo, trái cây ra cho ăn. Anh em tôi lăng xăng chạy ra sân tìm xác pháo hồng vương vãi, rồi sà vào nằm nghiêng ngả trên bộ trường kỷ kê ở giữa nhà.

Ông bà và các anh chị con nhà bác cứ tấm tắc khen ba anh em tôi có bộ quần áo mới vừa vặn quá! Chỉ là bộ quần áo giản dị, nhưng vào thời đó, quả thật đã là món quà quý giá mà bố mẹ giữ đúng lời hứa sắm sửa cho các con. Thời gian khó, kiếm cái ăn còn chật vật, nói gì đến cái mặc. Bởi vậy, thường chỉ dịp đầu năm, lũ trẻ mới được mua cho quần áo đẹp và phải giữ gìn cẩn thận gần như trong suốt cả năm. Bộ cánh mới được diện trong dịp Tết, rồi chỉ để dành để mặc đi học, khi về đến nhà phải thay ra, mặc đồ cũ.

Quần áo cũ, các bà, các mẹ, các chị cố công tỉ mẩn ngồi thêu thùa, khâu vá cho lành lặn giúp trẻ con khi mặc vào không bị hở da thịt là được. Nhiều khi, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, bắt buộc phải diện nhiều quần áo để xua tan gió buốt thì mẹ tìm những cái lành lặn nhất khoác ra bên ngoài cho chúng tôi.

Áo Tết mẹ chọn cho anh em tôi mỗi đứa một mầu khác nhau để tránh nhầm lẫn, vì chúng tôi sàn sàn nhau. Để có được những bộ đồ này, bố mẹ đã phải vất vả hơn với công việc đồng áng, vườn tược. Ngoài làm ruộng, cũng giống như các hộ khác trong thôn, bố mẹ tôi còn tham gia nuôi thả cá ở ao, đầm. Vùng ngoại thành lắm ao chuôm, cá được nuôi quanh năm, nhưng mùa thu hoạch thường dồn dập vào dịp cuối năm. Người ta cho chạy máy bơm tát vơi nước, rồi dùng lưới quây bắt. Với những ao nhỏ, có thể tát cạn kiệt nước và lội xuống bùn bắt cá, tôm, ốc, ba ba.

Giữa làng tôi, đầm Tròn rộng mênh mông, nước trong xanh. Các cụ kể lại, đây là một vùng xoáy do vỡ đê sông Hồng từ xa xưa. Đáy hồ sâu, có chỗ hơn chục mét, nước không bao giờ cạn vì có mạch ngầm thẩm thấu từ ngoài sông. Đã có lần, dân làng cố tát cho cạn đầm, nhưng do độ sâu chênh vênh làm lún nứt hàng loạt ngôi nhà nằm quanh bờ nên đành phải dừng lại. Cá trong đầm Tròn được vớt giống ngoài sông Hồng đem về nuôi, lẫn lộn trắm, chép, diếc, trê, rô phi…, đôi khi có cả những con cá lăng, thờn bơn hình thù khác lạ. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là cá măng đầu dài nhọn hung tợn, sẵn sàng nuốt chửng các loại cá khác vào bụng. Có lần, lưới của ngư dân làng tôi vây bắt được cá măng nặng hàng chục ký, đem cắt khúc chia cho các gia đình trong xóm ăn dần. Tiền sắm sửa, mua bán thực phẩm và quần áo cho lũ trẻ dịp Tết nhiều khi cũng được bố mẹ trích trong khoản chia công điểm từ nuôi thả và thu hoạch cá ở ao, đầm.

Quần áo mới được mẹ mua từ trước Tết khá lâu, gói ghém cẩn thận để trong ngăn tủ. Thỉnh thoảng, chúng tôi mở ra khoe với chúng bạn, tay nâng niu, mắt ngắm nhìn không biết chán, rồi lại cất đi, không biết bao nhiêu lần, hồi hộp chờ cho đến đúng ngày Tết mới được mặc.

Tấm áo, manh quần giờ không còn là thứ đồ quá xa xỉ. Song, thói quen sắm áo quần dịp Tết vẫn duy trì ở nhiều gia đình. Đầu năm, người ta muốn dọn dẹp, loại bỏ những thứ cũ kỹ để sắm sửa đồ mới với hy vọng gặp nhiều may mắn, hanh thông. Áo quần, vải vóc bây giờ thật nhiều chủng loại, mẫu mã, khách hàng tha hồ lựa chọn. Năm hết, Tết đến cũng là dịp các cửa hàng thời trang vào mùa bận rộn, quần áo bày bán khắp nơi. Con cháu biếu tặng ông bà, cha mẹ tấm áo tinh tươm cũng là một cách thể hiện lòng thơm thảo, hiếu đễ với các bậc sinh thành. Bố mẹ lĩnh tiền thưởng cuối năm mua cho các con bộ quần áo đẹp khuyến khích lũ trẻ chăm ngoan, học giỏi.

Hàng dệt may của Việt Nam giờ đã có thể ung dung chiếm được cảm tình của các khách hàng khó tính, kể cả trong nước và quốc tế. Lớp trẻ năng động, tự tin chọn lựa những bộ đồ thời trang hàng hiệu nội địa lẫn cả nhãn hiệu nước ngoài đình đám diện đi chơi Tết. Có ai còn nhớ cái thuở khó nhọc ngày xưa…