Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường

NDO - Mô hình trường học an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường, góp phần xây dựng giao thông xanh, sạch và an toàn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cắt băng khánh thành Mô hình trường học an toàn tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).
Các đại biểu cắt băng khánh thành Mô hình trường học an toàn tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 9/5, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) phối hợp Ban An toàn giao thông và Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khánh thành “Mô hình trường học an toàn", đánh dấu các hạng mục cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông trước cổng trường được đưa vào hoạt động chính thức, thông qua việc áp dụng các mô hình mẫu tham khảo từ “Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học”.

Theo đó, các hạng mục cải tạo gồm đèn vỗ sang đường cho người đi bộ, vạch sang đường nâng cao, gờ giảm tốc, lan can thép để phân chia vỉa hè và khu vực đỗ xe cho phụ huynh và biển báo đường.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, có hơn 17 triệu học sinh hằng ngày phải di chuyển từ 2 đến 4 lần từ nhà đến trường và ngược lại. Trong đó, nhiều học sinh dùng chung làn đường với xe tải chạy quá tốc độ, không có vỉa hè khi đi bộ tới trường. Đáng báo động là giới hạn tốc độ khu vực trường học thường vượt quá giới hạn tốc độ của khu vực trường học được quốc tế khuyến nghị. Nhằm cải thiện an toàn giao thông cho học sinh khi đến trường và về nhà, Quỹ AIP, phối hợp cùng với Bộ Giao thông vận tải cùng xây dựng “Sổ tay an toàn giao thông khu vực trường học” với sự tài trợ của Quỹ FIA.

Bốn trường học (Trường THCS Lê Quý Đôn, THPT Trần Quang Khải, Tiểu học Phú Lâm và THPT Mạc Đĩnh Chi) được chọn tham gia thí điểm cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông nằm trong tổng số 57 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được đánh giá tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói".

Kết quả cho thấy, 57 trường học trên cần được cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho khu vực chung quanh trường học. Hầu hết các trường chỉ được xếp hạng từ 1 đến 2 sao dựa trên kết quả Đánh giá hạng sao của iRAP (với "1 sao" là mức xếp hạng thấp nhất và không an toàn nhất, còn "5 sao" là mức xếp hạng an toàn nhất).

Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường ảnh 1
Học sinh THCS Lê Quý Đôn sử dụng đèn tín hiệu dành cho người đi bộ tại cổng trường.

Các công trình cải tạo cơ sở hạ tầng khu vực trường học tại bốn trường học đại diện cho sự khởi đầu của một loạt giải pháp cải thiện an toàn giao thông, góp phần bảo đảm việc di chuyển an toàn hằng ngày từ nhà đến trường và ngược lại cho hàng triệu học sinh, phụ huynh, giáo viên và những người tham gia giao thông khác.

“Mô hình trường học an toàn đã chứng tỏ đây là biện pháp thiết thực để bảo vệ học sinh, giáo viên và các gia đình. Việc phát triển hạ tầng an toàn cho khu vực trường học là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và thành công cho các thế hệ tương lai", bà Mirjam Sidik, Giám đốc điều hành Quỹ AIP chia sẻ.

Việc ứng dụng “Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học” đang góp phần hiện thực hoá mô hình trường học an toàn cho học sinh trên khắp cả nước. Sau 2 năm nghiên cứu và phát triển, sổ tay được xem như một nguồn tài liệu hướng dẫn đáng tin cậy, là cơ sở cho các nhà quy hoạch, thiết kế, thi công, hoạch định chính sách thực hiện các giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho học sinh tham gia giao thông trong khu vực trường học tại Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích học sinh đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường ảnh 3

Các đại biểu dẫn học sinh qua đường.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự án "Tuổi trẻ và những cung đường biết nói" cho thấy hiệu quả của sự hợp tác, đặc biệt là sự tham gia của thanh thiếu niên vào việc cải thiện an toàn và phúc lợi của bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, “Sổ tay An toàn giao thông khu vực trường học” là công cụ hữu ích, giúp chúng tôi thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông khu vực trường học để bảo vệ hàng nghìn học sinh tham gia giao thông đến trường mỗi ngày.

Sự phối hợp triển khai cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông khu vực trường học còn góp phần thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông nhằm nâng cao an toàn khu vực trường học trên khắp cả nước.

“Cùng với Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ AIP, chúng tôi không chỉ đơn thuần cải tạo cơ sở hạ tầng khu vực trường học, mà còn tạo ra một môi trường an toàn và đẩy mạnh quyền lợi cho mỗi học sinh. Với mỗi trường học được cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, chúng tôi tiến gần hơn đến việc thực hiện tầm nhìn được đề ra trong Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, bảo đảm hành trình đến trường của học sinh trên khắp lãnh thổ Việt Nam đều được an toàn,” ông Saul Billingsley, Giám đốc điều hành Quỹ FIA chia sẻ.