Hưởng ứng Chương trình "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021-2030" theo Nghị quyết A/74/L.86 ngày 1/9/2020 của Đại hội đồng Liên hợp quốc; thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 119/TB-VPCP ngày 10/4/2023 truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác ATGT quý I/2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, diễn ra từ ngày 15 đến 21/5/2023 với trọng tâm là Đổi mới tư duy về giao thông (Rethink Mobility).
Tiến sĩ Angela Pratt |
Tại lễ phát động, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người thiệt mạng do tai nạn giao thông và Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động này. Đặc biệt, tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ 2 gây thiệt mạng ở trẻ em dưới 15 tuổi tại Việt Nam. Tai nạn giao thông gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,5% GDP mỗi năm do chi phí điều trị và năng suất lao động bị giảm sút.
Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu được Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai từ ngày 15 đến 21/5 với nhiều hoạt động được tổ chức thống nhất từ Trung ương, các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội đến các địa phương, nhằm kêu gọi người dân đổi mới tư duy về giao thông, tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ; tuân thủ quy định về tốc độ khi lái xe, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ để giúp giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn.
“Tai nạn giao thông hoàn toàn có thể lường trước được. Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu năm nay, WHO và các đối tác khác của Liên hợp quốc đang kêu gọi cơ quan hoạch định chính sách và tổ chức xã hội thực hiện “Đổi mới tư duy” về giao thông”, Tiến sĩ Angela Pratt chia sẻ.
Tháng 5/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch toàn cầu cho “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ”, với mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và thương tích do TNGT đến năm 2030. Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia bảo đảm ATGT đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giảm số người chết và bị thương và bị thương do tai nạn giao thông từ 10 đến 15% mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu đó cần sự tham gia của nhiều ngành và lĩnh vực bao gồm giao thông, công an, y tế và giáo dục và đặc biệt là người dân, ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đường giao thông để bảo vệ đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông. Đồng thời, hành động để cải thiện chất lượng phương tiện và bảo đảm khi xảy ra va chạm giao thông, nạn nhân được tiếp cận y tế kịp thời.
WHO khuyến khích Việt Nam và các quốc gia nỗ lực hơn nữa ở 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em và dây an toàn; giới hạn tốc độ thấp hơn chung quanh các trường học; quy định đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đặc biệt là cho trẻ em; thực thi các chính sách cấm uống rượu bia khi lái xe và tiếp tục đầu tư nâng cao mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng đường bộ.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tuy linh hoạt, tiện lợi nhưng tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro gặp tai nạn giao thông cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhất là ở các đô thị. Cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông của người dân là rất lớn với gần 90% nhu cầu đi lại của là bằng xe máy, từ đó, vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định Việt Nam cam kết cùng Liên hợp quốc kiên trì thực hiện quy định pháp luật và chính sách bảo đảm ATGT đường bộ.
Trước năm 2012, trung bình mỗi năm có khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông (mỗi ngày khoảng 30 người tử vong vì tai nạn giao thông). Năm 2022, báo cáo cho thấy mỗi ngày bình quân có 17 người chết vì tai nạn giao thông, như vậy, sau 10 năm, số người tử vong đã giảm gần một nửa. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân”
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng
“Trước năm 2012, trung bình mỗi năm có khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông (mỗi ngày khoảng 30 người tử vong vì tai nạn giao thông). Năm 2022, báo cáo cho thấy mỗi ngày bình quân có 17 người chết vì tai nạn giao thông, như vậy, sau 10 năm, số người tử vong đã giảm gần một nửa. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân”, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng đánh giá.
Tuy vậy, thống kê tại hiện trường, mỗi ngày, số người thiệt mạng trực tiếp do tai nạn giao thông vẫn dao động khoảng 17-20 người, chưa kể đến những thiệt hại, mất mát về sau, tai nạn giao thông ở nước ta làm “bốc hơi” 2,5%GDP/năm, đã cho thấy thiệt hại vì tai nạn giao thông ảnh hưởng rất nặng nề.
Hưởng ứng lễ phát động, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho rằng, đô thị hóa là xu hướng khách quan của quá trình phát triển. Cùng với những lợi ích mà đô thị hóa đem lại, là thách thức và sức ép giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giao thông đô thị như: Ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường,… Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng mà “xương sống” là đường sắt đô thị luôn được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc những thách thức đặt ra đối với giao thông đô thị và đó cũng là xu hướng chung mang tính toàn cầu.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông |
Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước là tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông được chính thức đưa vào vận hành khai thác. Đến nay, tuyến đã vận hành được hơn 550 ngày và bước đầu được đánh giá thành công.
Tuyến đường sắt đô thị số 2A được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 30 nghìn hành khách sử dụng tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông để đi lại. Trong đó, 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% đi lại với các mục đích khác.
Ông Vũ Hồng Trường. |
"Thời gian đầu, hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%; đặc biệt, khách đi lại bằng vé tháng giờ cao điểm chiếm hơn 85%. Điều này thật sự góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo tính toán cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được 63.000 giờ tham gia giao thông trên đường và đem lại hiệu quả kinh tế hơn 30 tỷ đồng", ông Vũ Hồng Trường khẳng định.
Ngay tại Lễ phát động, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng khởi động chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ quy định thông qua việc giới thiệu tài liệu tuyên truyền "Hãy tuân thủ tốc độ quy định" với sự đồng hành của Ban ATGT Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.
Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông, cảnh báo về nguy cơ gặp phải va chạm giao thông cũng như hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ tốc độ quy định: "Lái xe quá quy định tốc độ càng cao thì nguy cơ xảy ra va chạm càng tăng và hậu quả va chạm giao thông càng nghiêm trọng".