Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói (AI&me)” được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Pleiku (Gia Lai) và thành phố Yên Bái (Yên Bái).
Khoảng 1.800 học sinh thuộc 18 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng và đại học đã tham gia hoạt động này.
Ứng dụng YEA là công cụ hỗ trợ giới trẻ trực tiếp chia sẻ ý kiến và báo cáo những nơi an toàn hay có nguy cơ gây rủi ro cho người tham gia giao thông đường bộ.
Ý kiến đánh giá của các em học sinh được chia sẻ từ ứng dụng sẽ được thu thập và khuyến nghị đến các cơ quan chức năng, nhằm đưa ra các chiến lược và giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Các điểm có nguy cơ tai nạn, hay còn gọi là “điểm đen giao thông" mà các em chia sẻ thông qua ứng dụng YEA sẽ là cơ sở cho việc thực hiện đánh giá cơ sở hạ tầng chi tiết hơn bằng công cụ Xếp hạng sao trường học (SR4S).
Công cụ này là một thước đo đơn giản và khách quan về mức độ an toàn hay rủi ro mà trẻ em phải đối mặt trên con đường đến trường và cũng là một công cụ hữu ích giúp các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp can thiệp có thể phòng ngừa và giảm thương vong do tai nạn giao thông.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Phạm Việt Công đánh giá: “Ứng dụng YEA sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho thế hệ trẻ. Giới trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy mỗi người chúng ta cần quan tâm lắng nghe ý kiến của các em để đưa ra những biện pháp tối ưu nhất trong việc giải quyết những vấn đề gây mất an toàn giao thông mà các em hiện đang phải đối mặt. Chỉ khi cùng chung tay góp sức, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng những cung đường an toàn tại Việt Nam”.
Dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói (AI&Me)” được triển khai trong 3 năm (3/2021-3/2024) và được tài trợ bởi Quỹ Botnar (một quỹ từ thiện được thành lập tại Thụy Sĩ với mục tiêu cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho thanh thiếu niên tại các thành phố trên khắp thế giới) cùng với Quỹ FIA, và sự phối hợp của 2 đối tác quốc tế, Anditi và Chương trình Đánh giá đường bộ Quốc tế (iRAP).
Dự án còn đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đối tác địa phương bao gồm Ban An toàn giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc địa bàn 3 tỉnh dự án. Dự kiến, dự án sẽ được nhân rộng ra các khu vực và quốc gia lân cận sau khi thực hiện giai đoạn thí điểm thành công.
Bà Hoàng Na Hương, Phó Tổng giám đốc điều hành Quỹ AIP, chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta cần sử dụng công nghệ để thu thập thông tin kịp thời và gắn kết sự tham gia của đối tượng thanh thiếu niên. Chính các bạn trẻ sẽ có cơ hội để chủ động hành động vì những cung đường an toàn ngay chính tại thành phố của mình. Ứng dụng YEA chú trọng vào việc lắng nghe tiếng nói của giới trẻ để đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề khủng hoảng an toàn đường bộ toàn cầu”.
Quỹ AIP đã phối hợp iRAP và Bộ Giao thông vận tải tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng YEA cho các cơ quan đối tác tại địa phương và giáo viên ở các trường dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Pleiku và Yên Bái.
Tại các buổi tập huấn, các giáo viên được nghe giới thiệu về dự án và cách sử dụng Ứng dụng YEA cũng như là những kiến thức về an toàn giao thông đường bộ cần thiết để truyền đạt lại cho học sinh/sinh viên của mình.
“Em nghĩ rằng Ứng dụng YEA là một công cụ rất hữu ích nhằm bảo đảm mọi con đường đều được an toàn cho người tham gia giao thông ở thành phố mình. Em có thể dễ dàng dùng ứng dụng này để báo cáo đến chính quyền địa phương về những nơi mà em cảm thấy an toàn/không an toàn/rất không an toàn, từ đó giúp các cô, chú nhận biết khu vực nào có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Em cảm thấy mình như được góp một phần sức lực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông của đất nước”, một học sinh tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái chia sẻ cảm nhận của mình.