Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

NDO - Thanh Hóa chú trọng ứng dụng, làm chủ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, phát huy các tiện ích, cung ứng dịch vụ, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa.
Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa.

Xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa duy trì họp trực tuyến liên thông 4 cấp, kết nối trực tuyến một chiều tới 5/5 thôn. Ủy ban nhân dân xã sử dụng nền tảng phòng họp không giấy tờ, tích hợp tính năng chuyển giọng nói thành văn bản giúp thư ký ghi âm, chuyển các ý kiến đóng góp, chỉ đạo, kết luận thành văn bản; cài đặt, tạo lập tài khoản App dùng chung của huyện cho người dân/doanh nghiệp, cài đặt miễn phí ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng và cài đặt ứng dụng chuyển đổi số huyện Hoằng Hóa thông qua App tương tác HoanghoaS, tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã thông qua Hệ thống phản hồi.

Bưu điện văn hóa xã có máy tính kết nối internet, nhân viên sử dụng thành thạo, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Điểm bưu điện văn hóa xã có khả năng tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình hoặc một phần và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của người dân. Ủy ban nhân dân xã còn thiết lập nhóm Zalo tương tác với các Trưởng thôn để tiếp thu ý kiến của người dân, thành lập các tổ công tác phối hợp với các tổ công nghệ số cộng đồng về tận thôn, hộ gia đình hướng dẫn nhân dân cài đặt tài khoản định danh điện tử, sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công. Ở xã Hoằng Đồng, 3.051 người đã có tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 82,08%, có thể dùng tài khoản định danh điện tử để truy cập, thực hiện các thủ tục hành chính công; 100% hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông được scan hồ sơ, tin học hóa các quy trình từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả cho người dân, tổ chức và lưu trữ.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ảnh 2

Cán bộ huyện Hoằng Hóa tham quan, lựa chọn sản phẩm số.

Quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; 100% hồ sơ được chính quyền các cấp ở huyện Hoằng Hóa tiếp nhận, xử lý, trả kết quả qua hệ thống một cửa. Dịch vụ công trực tuyến một phần có số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 100% ở cấp huyện, 99,35% cấp xã; dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ 100% cấp huyện, 99,66% tại cấp xã. Huyện Hoằng Hóa cũng thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích cho người dân, tổ chức. Huyện duy trì, vận hành hệ thống phòng họp trực tuyến từ tỉnh, huyện tới cấp xã qua 39 điểm cầu, đáp ứng chỉ đạo kịp thời, điều hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh, lực lượng chức năng cùng các tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số thông qua App HoanghoaS nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng trên các trụ cột: Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ảnh 3

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số.

Theo báo cáo, 100% các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã kiện toàn, bổ sung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch chuyển đổi số, xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các sở, ngành, địa phương. Đi đôi với đa dạng hóa, tăng thời lượng tuyên truyền, đẩy mạnh chuyển đổi số, Thanh Hóa huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng, quan tâm đầu tư trang thiết bị, đào tạo, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị. Theo đó, 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị, kiến thức công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn.

Thanh Hóa duy trì hoạt động hơn 700 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm phổ cập chủ trương, chính sách, kiến thức mới đến đông đảo cán bộ, viên chức, đảng viên, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, điều hành hiệu quả. Nền tảng chia sẻ, tích hợp hiện cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 15 dịch vụ kết nối bên ngoài; trao đổi, xử lý văn bản, hồ sơ liên thông trên môi trường mạng được duy trì ở cả ba cấp, thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Qua 9 tháng, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 3.302.145 lượt văn bản; cơ quan ký số đạt tỷ lệ 98%, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, công tác, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 hiện cung cấp 720 dịch vụ công trực tuyến một phần và 982 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.711 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,51%.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ảnh 4

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa trao Giấy khen cho các cá nhân đoạt giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số.

Thanh Hóa tăng cường ứng dụng công nghệ số, phát huy tiện ích, thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội trong tỉnh có tài khoản, được chi trả khoản thụ hưởng theo chế độ, chính sách hiện hành qua tài khoản đạt tỷ lệ 65,2%. Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã và đang phối hợp với các sở, ban ngành vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Nổi bật là các cơ sở y tế quan tâm đầu thiết bị, công nghệ, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, kết nối bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, từ cơ sở tới Trung ương, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sau thí điểm thành công mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 676 cơ sở y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh, đạt tỷ lệ 100%. Thanh Hóa có 42 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được công bố đủ điều kiện khám và cấp Giấy khám sức khỏe lái xe; thúc đẩy liên thông dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định bảo hiểm y tế.

Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân ảnh 5

Người dân thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Hơn 9 tháng qua, các cơ sở thực hiện liên thông 78.262 giấy khám sức khỏe cho người lái xe; 57 cơ sở y tế thực hiện liên thông 31.121 giấy chứng sinh; 17 cơ sở y tế thực hiện liên thông 256 giấy chứng tử. Toàn tỉnh có 3.187.092 căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân; 671 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế cấp mã liên thông cơ sở, 4.038 bác sỹ được cấp mã liên thông bác sỹ, 524 cơ sở đã tiến hành liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc Quốc gia. Cơ quan Công an triển khai nền tảng quản lý lưu trú đến các cơ sở y tế và toàn tỉnh có 201 cơ sở khám chữa bệnh được tạo tài khoản, 29 cơ sở đã thực hiện khai báo lưu trú, phát sinh 42.137 lượt thông báo lưu trú.

Xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ số nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân đã và đang tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh số, xã hội số ở tỉnh Thanh Hóa.