Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa

Đầu tư đồng bộ hạ tầng số, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, kiến tạo đã và đang tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở tỉnh Thanh Hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tỉnh Thanh Hóa tham quan, nghe giới thiệu về sản phẩm số.
Cán bộ tỉnh Thanh Hóa tham quan, nghe giới thiệu về sản phẩm số.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Hè năm 2023, Đoàn thanh niên tỉnh Thanh Hóa phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phòng Văn hóa- thông tin Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn cùng nhà tài trợ xây dựng hệ thống dữ liệu hình ảnh, biên soạn, cập nhật thông tin giới thiệu về 8 di tích, danh thắng quốc gia trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, quảng bá các giá trị di sản.

Ngoài chỉ dẫn địa lý, địa điểm tọa lạc, quy mô, kiến trúc đặc trưng, độc đáo của di tích, nhà tài trợ xây dựng, cập nhật dữ liệu hình ảnh, tự động thuyết minh, giới thiệu về giá trị vật thể, phi vật thể, đoàn thanh niên niêm yết mã QR cho du khách quét, truy cập, trải nghiệm thực tế ảo 360 độ về các di tích, danh thắng ở Sầm Sơn.

Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa ảnh 1

Mã QR trải nghiệm thực tế ảo về di tích, danh thắng ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tổ chức đoàn thanh niên phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng ở Thanh Hóa tích cực tham gia thực hiện Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp Công an tỉnh thành lập 2.349 đội thanh niên tình nguyện thu hút hơn 19 nghìn cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia các tổ công nghệ số cộng đồng.

Trong đợt thi đua “Phủ xanh tài khoản định danh điện tử”, các tổ công nghệ số lưu động tới vùng sâu, vùng xa, xuống tận các thôn, xóm, bản, đi từng ngõ, đến từng nhà, tiếp cận từng người dân hướng dẫn kích hoạt tài khoản VNEID.

Đoàn thanh niên các trường đại học cùng Đoàn thanh niên Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn 100% học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Tại các phường, xã, đoàn thanh niên niêm yết chỉ dẫn, áp phích, cấp phát tờ gấp hướng dẫn người dân truy cập, đăng ký các thủ tục hành chính qua mạng.

Vào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, đoàn viên thanh niên cùng cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng thanh toán trực tuyến; tuyên truyền hiệu quả sử dụng tài khoản định danh điện tử, nhất là phổ biến những tiện ích trong sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2, ứng dụng VNEID trong thực hiện các thủ tục hành chính giảm kê khai nhiều biểu mẫu, chi phí đi lại, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.

Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa ảnh 2

Đoàn thanh niên ra mắt công trình trải nghiệm, tìm hiểu về Khu di tích Rừng Thông ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Phùng Tố Linh cho biết: 6 tháng đầu năm nay các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ 1,3 triệu cán bộ, đoàn viên, thanh viên, người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Đoàn thanh niên xác định tuyên truyền, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng phần mềm VNEID và các dịch vụ công là nhiệm vụ chính trị quan trọng; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt của tuổi trẻ trong nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân tiếp tục “phủ xanh” tài khoản định danh điện tử.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu nhận 3.421.346 hồ sơ cấp thẻ thẻ căn cước cho công dân, cấp tài khoản định danh điện tử cho 1.620.967 công dân và kích hoạt thành công 1.651.144 tài khoản.

Triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa nền hành chính; tỉnh Thanh Hóa xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ, hiện cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 10 dịch vụ kết nối bên ngoài; thực hiện trao đổi, xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa khối Đảng, đoàn thể, chính quyền và doanh nghiệp.

Các cơ quan sử dụng chữ ký số đạt tỷ lệ 98,5%; hệ thống phần mềm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân ghi nhận tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt hơn 99,3%.

Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa hiện cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã cung cấp hơn 85.000 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.202 dịch vụ.

Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa ảnh 3

Công dân truy cập, đăng ký giải quyết thủ tục hành chính ở phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số, hình thành công dân số, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng thành quả chuyển đổi số; nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các mô hình chuyển đổi số tương đối hiệu quả.

Đó là mô hình “3 không”: Không phải khai báo thông tin, thành phần hồ sơ nhiều lần khi sử dụng dịch vụ công; thanh toán không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu; người dân, doanh nghiệp không cần phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền.

Tại huyện Yên Định, người dân, doanh nghiệp được cán bộ, công chức hướng dẫn, giải quyết các dịch vụ hành chính công trực tuyến và trả kết quả ngay trong ngày, phát huy hiệu quả mô hình “Ngày thứ hai không viết, ngày thứ sáu không hẹn”.

Mô hình “Chợ không dùng tiền mặt” ở thành phố Thanh Hóa, các huyện: Quảng Xương, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn góp phần hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong đại bộ phận người dân.

Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử gắn truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần kết nối cung-cầu, mở rộng thị phần tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nông, lâm, thủy sản chủ lực.

Thanh Hóa có 862 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện phát sinh doanh thu, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tương đối hiệu quả. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, kinh tế số chiếm tỷ trọng 8,28% trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa.

Đồng bộ hạ tầng số

Nhiều năm qua hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị ở Thanh Hóa tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet bảo đảm thông suốt, an toàn.

Toàn tỉnh duy trì, vận hành gần 600 phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã phối hợp tổ chức 45 cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và hơn 380 cuộc họp trực tuyến giữa cấp huyện với cấp xã, góp phần sử dụng hiệu quả thời gian, giảm chi phí hành chính.

Hạ tầng viễn thông tiếp tục được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, internet băng thông rộng cố định, di động và dịch vụ truyền hình qua mạng viễn thông.

Trên địa bàn tỉnh có 9.399 trạm BTS, tỷ lệ sử dụng chung cột ăng-ten đạt 7,6%; có 14 thiết bị chuyển mạch cố định, 2.785 thiết bị truy nhập internet băng thông rộng. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới gần 800km cáp mạng ngoại vi, cải tạo chỉnh trang gần 150km cáp.

Thuê bao điện thoại đạt 80,5 máy, thuê bao internet đạt 65,4 thuê bao/100 dân. 100% nhà văn hóa, thôn khu phố, các điểm du lịch trong tỉnh lắp đặt wifi miễn phí; mô hình “Camera với an ninh trật tự” được nhân rộng.

Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa ảnh 4

Viễn thông Thanh Hóa giới thiệu về các nền tảng, sản phẩm số.

Xác định dữ liệu có vai trò đặc biệt quan trọng, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Cổng Dữ liệu của tỉnh chia sẻ 195 cơ sở dữ liệu mở thuộc 15 lĩnh vực, công khai các dữ liệu mở phục vụ chỉ đạo, điều hành, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền.

Thanh Hóa kết nối giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Toàn tỉnh đã đồng bộ thông tin 3.037.420 thẻ bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chíp; 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 261.308 người có công với cách mạng, hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Cơ quan chức năng đã cập nhật, số hóa thông tin của 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia; chuẩn hóa, làm sạch, cập nhật thông tin dữ liệu trẻ em đạt tỷ lệ 81,3%; rà soát, làm sạch dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 92,25%.

Dữ liệu bảo hiểm xã hội đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 96,2%; đã thực hiện rà soát 1.721.898 mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 76%.

Trưởng Phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Lê Xuân Lâm ghi nhận: Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư bảo đảm cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, an ninh, an toàn. Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung và luôn hoạt động ổn định, thông suốt.

Động lực chuyển đổi số ở Thanh Hóa ảnh 5

Tuổi trẻ hướng dẫn hộ kinh doanh tạo mã QR thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh Hóa tiếp tục chủ động và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số tham gia phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong vận hành, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các Tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin trong hỗ trợ đào tạo, chuyển giao ứng dụng để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng chuyển đổi số, hợp tác xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an toàn thông tin.