Thái Nguyên tăng cường đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1,4 triệu người, trong đó có khoảng 30% là đồng bào dân tộc thiểu số với 8 dân tộc chiếm số đông, cư trú chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng cao Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ và Đồng Hỷ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh bố trí ngân sách đối ứng tối thiểu từ 10% trở lên để tăng cường nguồn lực đầu tư cho khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Từ năm 2021 đến nay, hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên được đưa vào sử dụng.
Từ năm 2021 đến nay, hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên được đưa vào sử dụng.

Những năm vừa qua, kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, nhưng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Thái Nguyên và các địa phương khu vực phía nam tỉnh gần Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi có giao thông thuận lợi, thu hút nhiều dự án công nghiệp, đô thị, dịch vụ nên khoảng cách phát triển so với các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh ngày càng chênh lệch.

Từng bước khắc phục vấn đề này, thông qua các dự án của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên tăng cường nguồn vốn đối ứng cho các dự án triển khai trong giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025.

Như Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, tổng ngân sách đầu tư dự kiến là gần 244 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đối ứng gần 32 tỷ đồng.

Dự án 2, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết ước tổng vốn đầu tư 90,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí gần 11,8 tỷ đồng; tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị dự kiến có tổng vốn đầu tư 374,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh dự kiến đối ứng 48,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, tiểu dự án 1 thuộc dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến có tổng mức đầu tư 518,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương dự kiến bố trí 67,8 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, những năm vừa qua, ngân sách địa phương bố trí cho các dự án thuộc chương trình đều đạt và vượt so với mức dự kiến bố trí từ đầu giai đoạn. Các dự án đã được triển khai bước đầu phát huy hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình cấp nước sinh hoạt, hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống với hàng loạt công trình đường giao thông, kênh mương được đưa vào sử dụng.

Với việc bố trí thỏa đáng nguồn vốn đối ứng của địa phương cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời đối ứng, đầu tư đối với các chương trình, dự án khác nhằm đạt mục tiêu đến hết năm 2025, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mức thu nhập cao hơn 2 lần so với năm 2020.

Mỗi năm giảm bình quân 2% hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 50% số xã, xóm đặc biệt khó khăn; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; hoàn thiện cơ sở vật chất trường nội trú, bán trú, duy trì 8% con em đồng bào dân tộc thiểu số được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, chúng tôi thường xuyên tham mưu để tỉnh bố trí tối thiểu đủ vốn đối ứng như đã dự kiến; tiến hành rà soát và có giải pháp phù hợp đến hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ đạt và vượt từng mục tiêu cụ thể đã đề ra, tạo bước phát triển toàn diện khu vực này.