Thực tế cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Thái Nguyên đã bao phủ nhiều mặt của đời sống, xã hội, không chỉ hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, mà còn giải quyết những vấn đề cụ thể, trước mắt.
Gia đình anh Hoàng Văn Tý, dân tộc H’Mông ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai được Chương trình hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, gần 20 triệu đồng mua bò giống nên hết năm 2023 đã thoát nghèo. Anh Tý tâm sự: "Nếu không có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì không biết đến bao giờ gia đình mình mới có ngôi nhà xây chắc chắn để ở. Giờ đây rất yên tâm để phát triển sản xuất, tăng thu nhập".
Tương tự như gia đình anh Hoàng Văn Tý, đến nay Chương trình đã hỗ trợ hơn 210 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh xây nhà mới chắc chắn, không phải sống trong ngôi nhà tạm. Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ hơn 500 hộ có nước sinh hoạt phân tán; 12 công trình nước cấp nước sinh hoạt tập trung được đưa vào sử dụng, giúp bà con được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thái Nguyên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng khó
Tính đến hết 2023, Chương trình đã đầu tư hơn 21,2 tỷ đồng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên được phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 732,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 109,5 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển ở khu vực này.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, hơn 3 năm qua, Chương trình chú trọng hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo thông qua giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất cho bà con và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Được sự tiếp sức từ Chương trình, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành mục tiêu giảm 2% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hơn 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô-tô được cứng hóa đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia, có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có có hơn 90% xã có bác sĩ.
Năm 2024, các cấp, các ngành trong tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang nỗ lực giải ngân hết nguồn vốn được giao để phát huy hiệu quả đầu tư, thêm nguồn lực cho người dân phát triển kinh tế và những khởi sắc mới trên địa bàn.