Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết: Đến nay, diện tích gieo cấy lúa của tỉnh có khoảng 155 nghìn ha/năm, là địa phương có diện tích cấy lúa lớn thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Để tạo ra sản lượng lúa gạo hằng năm khoảng 1,2 triệu tấn thì lượng rơm rạ thải ra sau thu hoạch khoảng 480 nghìn tấn. Qua theo dõi, chỉ một phần nhỏ lượng rơm rạ sử dụng làm thức ăn cho gia súc, sản xuất nấm và làm vật liệu phủ luống cho rau màu, còn lại phần lớn rơm rạ để lại trên cánh đồng.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho rằng, máy cuộn rơm là giải pháp khả thi để xử lý nhanh lượng rơm rạ tồn tại trên cánh đồng sau thu hoạch. |
Bà con nông dân thường chọn phương án đốt thủ công gây khói bụi, ô nhiễm không khí, tiêu diệt các sinh vật có ích trên đồng ruộng và tổn thất nguồn thức ăn rất lớn cho trâu bò cũng như nguồn nguyên liệu làm nấm.
Ông Hưng cho hay, hôm nay chúng tôi cùng Công ty TNHH Thiên Trường tổ chức Hội thảo trình diễn máy cuộn rơm ngay trên cánh đồng xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương) để các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật cùng bà con nông dân trên địa bàn trực tiếp “mục sở thị” các tính năng ưu việt của sản phẩm này.
Những cuộn rơm trên cánh đồng xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) sau khi được xử lý bằng máy cuộn rơm PT-CR 57.1. |
Theo Công ty TNHH Thiên Trường, máy cuộn rơm đã vận hành trên nhiều đồng đất khác nhau tại các tỉnh, thành phố. Máy chạy trên bánh xích, động cơ diesel, ngoài chức năng cuốn và vận chuyển rơm, máy còn được dùng như một xe vận chuyển nông sản trên cánh đồng.
Được biết, 2 loại máy cuộn rơm PT-CR 57 và PT-CR 57.1 đều có thể cuốn từ 80-120 cuộn rơm (mỗi cuộn có trọng lượng từ 12-18kg) trong cả mùa mưa và mùa khô.
Tại hội thảo, doanh nghiệp Mai Tĩnh (xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cam kết thu mua hết số lượng rơm cuộn sau thu hoạch cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.