Kiếm tiền từ rơm rạ

Ở xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam) trồng nấm rơm được ví là cái nghề không bỏ sót những rơm cùng rạ sau mùa gặt.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Thái Tấn Dũng xếp bánh rơm cho vụ nấm mới.
Ông Thái Tấn Dũng xếp bánh rơm cho vụ nấm mới.

Từ rơm lại có nấm rơm

Thời điểm này, khi lúa ngoài đồng đã được bà con nông dân thu hoạch xong, hàng trăm lượt xe chở rơm rạ từ các huyện Quế Sơn, Điện Bàn… tập kết về thôn Việt Sơn, xã Bình Trị. Khắp đường làng, những cây rơm cao gần mươi mét được phủ bạt kín. Tranh thủ những vụ lúa có nhiều rơm rạ, người sản xuất nấm thu mua rơm để dành cho cả một năm trồng nấm liên tục. Nhà ít thì có ba, bốn cây rơm. Nhà nào sản xuất nấm với số lượng lớn thì có cả chục cây rơm.

Ông Lê Tấn Trí (SN 1968), trú thôn Việt Sơn cho biết, gia đình ông đã chuyển qua nghề trồng nấm rơm được 12 năm nay. Những năm đầu, do chưa liên kết với các hộ nông dân nên cuối đợt thu hoạch lúa, ông phải trực tiếp đi thu mua rơm và chở về nhà. Hiện tại, rơm rạ được xe chuyên dụng cuốn tròn mỗi cuộn nặng 20kg, thắt dây chắc chắn và chở đến giao tận nhà cho ông. “Nhìn làm ra một ký nấm thì tưởng dễ chứ tui phải canh nhiệt độ cho trại nấm được ổn định trong suốt 20 đến 25 ngày. Ngày nắng thì bơm nước lên mái che cho mát, ngày mưa thì mua than củi về đốt dưới mặt đất để xông hơi cả trại. Không canh chừng như rứa thì nấm mọc ra sai thời điểm, bán bị mất giá”, ông Trí cho hay.

Điểm hay ở những hộ dân trồng nấm bây giờ là bà con tái sử dụng phế phẩm là những bánh rơm sau khi thu nấm. Sau gần một tháng, bánh rơm sẽ phân hủy thành bột mịn; bột mịn không bị bỏ đi mà được thu gom lại để bón cho cây trồng hoặc bán cho những hộ trồng rau ở huyện Tiên Phước, Hội An và một số nơi khác. Câu chuyện bảo vệ môi trường đồng thời tận dụng tối đa nguồn lợi từ rơm được những hộ trồng nấm tính toán ngay từ khi bắt đầu làm nghề này.

Với giá bán lại khoảng 10 nghìn đồng/tạ bột rơm mịn, số tiền bán phế phẩm được đầu tư xoay vòng mua túi nylon, nguồn phôi nấm cho vụ sau. Vụ nấm vừa qua, gia đình ông Trí đầu tư 70 triệu đồng để mua nguồn nguyên liệu, đồng thời cộng với chi phí nâng cấp, cải tạo bốn căn trại trồng nấm (mỗi trại rộng khoảng 50m2 chứa được 1.000 bánh rơm), tổng mức chi phí đầu tư ông Trí đã bỏ ra hơn 150 triệu đồng.

Cọng rơm chưa phải là… đồ bỏ

Quá trình trồng ra một bịch nấm rơm trải qua nhiều công đoạn từ khâu phơi, nhúng rơm, ủ, đạp tạo hình bánh rơm, cấy phôi đến việc canh nhiệt độ và thu hoạch. Hiện nay, quy trình nhiều bước đó được khoán công cho bà con trong thôn cùng làm để rút ngắn thời gian sản xuất nấm. Công đoạn gói bánh rơm là dễ nhất, ai cũng làm được. Một ngày công đạp bánh rơm hiện được trả số tiền 500 nghìn đồng/ngày, cấy phôi nấm vào bánh rơm được trả mức 300 nghìn đồng/ngày.

Cách nhà ông Trí khoảng 500m là trại nấm với sức chứa 2.000 bánh rơm của ông Thái Tấn Ngọc (SN 1977), căn trại được làm kiên cố bằng bê-tông, sắt thép. Do đợt rơm khô được chở về muộn, trại nấm của ông Ngọc hiện đang trong công đoạn nhúng rơm và ủ. Nghề trồng nấm rơm cần sự nhạy bén, cảm nhận cái mùi nồng của rơm để xới, ủ đúng thời điểm. Rơm khô được tưới một lần nước và rải vôi bột, chỉ sau vài tiếng đồng hồ sẽ bốc ra mùi nồng nhẹ, đây là thời điểm chủ trại nấm cần nhanh tay xới đều và phủ kín bằng bạt. Công đoạn này quyết định sản lượng và chất lượng nấm sau này. Cào lớp đất nền cũ của trại để thay vào lớp đất mới, rải vôi bột khử trùng được ông Ngọc làm kỹ lưỡng, việc này nhằm tránh để nấm bị nhiễm khuẩn khi mới mọc ra.

Ông Ngọc cho hay: “Trung bình 2.000 bánh rơm sẽ mọc ra được 200kg nấm. Trừ đi chi phí đầu tư, tiền khoán nhân công làm một số công đoạn thì tôi thấy nghề làm nấm rơm có nguồn thu lâu dài ổn định hơn so các nghề khác ở miền quê. Đôi khi có đợt do dịch bệnh làm nấm bị hư hại, sẽ ít lợi nhuận nhưng vụ này bù cho vụ khác thì vẫn có đồng tiền ổn định. Là dân nông nhưng chúng tôi lúi húi với cây nấm chủ yếu ban đêm, ban ngày nghỉ ngơi hay tranh thủ làm thêm việc nào đó kiếm thêm”.

Những đêm cuối cùng của đợt làm nấm, niềm vui cứ thấp thỏm trong các hộ dân ở thôn này. Họ cầm đèn pin soi từng hàng, đi ra đi vào quan sát trại nấm. Thêm một dãy bánh rơm mọc đều nấm thì nỗi lo về đồng tiền bỏ ra đầu tư đã giảm bớt một phần, nhà nông có thể thu lại đồng tiền lời. Vùng quê Bình Trị hướng đến tương lai toàn dân thoát nghèo là điều hoàn toàn khả thi khi hiện tại, đã có khoảng 150 hộ dân cùng tham gia trồng nấm rơm. Rơm rạ do bàn tay người nông dân tạo ra nay đã quay trở lại tái tạo nguồn lợi cho bà con.

“Hồi trước mỗi năm gia đình tôi làm được hai sào ruộng cũng chẳng đủ. Từ khi đổi qua nghề trồng nấm rơm ni mới có nguồn thu nhập cho ba đứa con ăn học. Chừ còn hai vợ chồng cố bám vô mấy trại nấm, chịu khó thức cả đêm trong những ngày thu hoạch nấm rồi cũng xong…”, ông Lê Tấn Trí khắc họa về cái nghề này.