Cuối tuần qua, ông David Beasley, Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực thế giới, trong báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), cảnh báo rằng, 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Con số này gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Người đứng đầu cơ quan lương thực LHQ nhấn mạnh rằng, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có. Theo ông Beasley, điều đáng lo ngại là 50 triệu người đang bị suy dinh dưỡng cấp tính và đang ở ngưỡng cửa của nạn đói.
Nguyên nhân chính đẩy nhiều quốc gia trên thế giới lâm cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng là do những tác động kinh tế từ đại dịch, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu tăng và xung đột Nga-Ukraine. Theo bà Corinne Fleischer, Giám đốc khu vực của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có 135 triệu người rơi vào nghèo đói trên toàn cầu. Sau đó, con số này đã gia tăng mạnh và dự kiến còn tiếp tục tăng. Chi phí lương thực đã tăng trung bình 45% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Cùng với đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga-Ukraine đã “thêm dầu vào lửa” làm cho nguy cơ đói kém nghiêm trọng hơn. Kể từ khi nổ ra cuộc chiến nói trên, chi phí lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt đã khiến 70 triệu người tiến gần tới nạn đói. Cuộc xung đột tại Ukraine cũng đã làm giảm đáng kể nguồn cung lương thực cho thế giới, trong khi đó số ngũ cốc xuất khẩu từ nước này cũng không đến được nhiều nước đang phát triển - nơi nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng. Hiện khoảng 44% lượng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen theo thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã được cung ứng cho thị trường, nhưng chỉ 28% đến các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, hạn hán đang đe dọa kế sinh nhai của hàng trăm triệu người dân trên toàn cầu. Năm nay, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina. Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu, mùa hè năm nay, Lục địa Già đã phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ. Hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cây trồng từ các khu vực trồng trọt quan trọng của nước Mỹ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, nhiều khu vực của Ấn Độ, làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu trong năm tới.
Trước thực trạng nêu trên, Giám đốc phụ trách hoạt động cứu trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng Reuters, vừa cho biết WB sẵn sàng cung cấp 30 tỷ USD để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng xác nhận kế hoạch mở rộng viện trợ khẩn cấp cho những quốc gia bị ảnh hưởng của giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu lương thực hiện nay.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kế hoạch sẽ cho phép IMF cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp bổ sung và vô điều kiện tới các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh thách thức an ninh lương thực đã lên đến đỉnh điểm và ở mức chưa từng có như hiện nay, những nỗ lực nêu trên của WB hay IMF là chưa đủ và mới chỉ mang tính ngắn hạn. Theo bà Corinne Fleischer, Giám đốc khu vực của WFP, thế giới khó có thể chống đỡ được những thách thức an ninh lương thực hiện nay. Thực tế này đang đòi hỏi LHQ và các chính phủ phải đoàn kết và tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để cùng chống “giặc đói” trên quy mô toàn cầu bằng cả các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nếu thách thức an ninh lương thực không được đẩy lùi, thì ngoài nguy cơ nạn đói, nhiều khu vực trên thế giới có thể lâm vào bạo loạn và bất ổn.