Trách nhiệm với an ninh lương thực

Diễn ra tại Indonesia cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thảo luận các biện pháp kích thích kinh tế và hợp tác trong tiến trình phục hồi nhiều thách thức. Trong đó, nhiệm vụ khẩn cấp là phối hợp ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RAHMA
Biếm họa: RAHMA

Hơn 400 đại biểu từ các nước thành viên G20 và các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị trong hai ngày, theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, với mục tiêu tìm các biện pháp cụ thể nhằm phối hợp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều thách thức đang nổi lên. Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh: G20 cần tiến xa hơn bằng hành động cụ thể, dựa trên tinh thần hợp tác, liên kết và đồng thuận để giải quyết thách thức toàn cầu.

Hội nghị thảo luận một loạt chủ đề ưu tiên hợp tác của G20 trong hoạt động tài chính toàn cầu, như rủi ro với kinh tế thế giới, kiến trúc tài chính quốc tế, tài chính bền vững, quốc tế... Nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro xuất phát từ tình trạng lạm phát cao, giá hàng hóa tăng vọt, nhất là nhiên liệu và lương thực, hội nghị cũng tìm giải pháp kiềm chế lạm phát, song không cản trở đà phục hồi. Trước thềm hội nghị ở Bali, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu tối mầu hơn do lạm phát cao. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,6% cho cả hai năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng mới là chủ đề được hội nghị dành nhiều thời gian bàn thảo. Trong vai trò chủ nhà, Indonesia kêu gọi G20 có hành động cụ thể và khẩn cấp đối với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng và cuộc khủng hoảng nguồn cung phân bón. Bộ trưởng Mulyani nêu bật những thách thức đang nổi lên nghiêm trọng, như xung đột, hạn chế xuất khẩu, tác động dai dẳng của dịch bệnh, trong khi thiếu nguồn cung phân bón làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực.

Chia sẻ quan điểm của Indonesia, Mỹ cũng thúc giục G20 thống nhất hành động khẩn cấp ứng phó tình trạng mất an ninh lương thực, tránh áp đặt hạn chế xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, G20 nên nhắm vào các biện pháp hỗ trợ tài chính để giúp những người khó khăn nhất, thay vì áp dụng các khoản trợ cấp bao trùm tốn kém. Phía Mỹ cho rằng, giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay cũng cần sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức tài chính đa phương.

Saudi Arabia kêu gọi G20 hợp tác nhằm thúc đẩy các kênh kết nối cung và cầu. Theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, Mohammed Al-Jadaan, G20 thậm chí cần thiết lập cơ chế hỗ trợ việc phân bổ nguồn cung phân bón. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Silvina Batakis cảnh báo, lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá lương thực và năng lượng, khiến các nước đối mặt không chỉ vấn đề mất an ninh lương thực, mà cả tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Argentina cũng nhấn mạnh G20 cần thận trọng trong việc áp dụng các chính sách kinh tế và chú trọng việc giảm tác động của khủng hoảng kinh tế đối với các nước đang phát triển.

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, khi giá lương thực và hàng hóa thiết yếu chưa có dấu hiệu giảm và nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. Hội nghị ở Bali vẫn chứng kiến những quan điểm trái chiều, nhất là liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và tác động tới an ninh lương thực toàn cầu. Nước chủ nhà Indonesia tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác G20 trong việc ứng phó thách thức toàn cầu, trước mắt là thể hiện trách nhiệm với an ninh lương thực của thế giới.