Tạo không gian phát triển thành phố Thái Nguyên

Thời gian vừa qua và tới đây, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã và sẽ đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại, tạo không gian phát triển đô thị, dịch vụ, tăng cường kết nối giao thông, nâng tầm đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Những hạng mục cuối cùng của cầu dây văng Huống Thượng bắc qua sông Cầu đang được hoàn thành để đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023.
Những hạng mục cuối cùng của cầu dây văng Huống Thượng bắc qua sông Cầu đang được hoàn thành để đưa vào sử dụng từ tháng 10/2023.

Từ tháng 10/2023 tuyến đường Bắc Nam-cầu Huống Thượng, cây cầu dây văng được thiết kế đẹp bắc qua sông Cầu, kết nối với đảo tròn Chùa Hang với tổng chiều dài gần 10km, mặt đường rộng từ 15m đến 24,5m, được thiết kế đồng bộ, hiện đại, đi qua các phường, xã là Phan Đình Phùng, Gia Sàng, Túc Duyên, Huống Thượng, Linh Sơn, Chùa Hang, tạo vành đai phía đông bắc, mở ra không gian rộng lớn phát triển thành phố Thái Nguyên.

Trước đó, tháng 4/2023, thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường khu dân cư Đồng Bẩm dài gần 4km, rộng 21m kết nối quốc lộ 1B với quốc lộ 17, giao cắt với đường bắc nam-Chùa Hang.

Hai tuyến đường lớn này được đưa vào sử dụng, kết nối giao thông giữa thành phố Thái Nguyên với khu vực phía bắc, không chỉ giảm áp lực giao thông đối với trung tâm thành phố Thái Nguyên mà còn mở ra không gian rất lớn phát triển đô thị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh, cho biết: “Gần như đồng thời với việc xây dựng hai tuyến đường này, các khu đô thị, dân cư như Thăng Long, Nhị Hòa, Đồng Bẩm cũng hoàn thành, tạo quỹ đất cho thành phố Thái Nguyên bán đấu giá, tăng thu ngân sách để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội”.

“Về lâu dài, tuyến đường vành đai phía đông bắc thành phố sẽ tạo ra không gian phát triển đô thị với quỹ đất rộng lớn hai bên đường sẽ được khai thác để phát triển đô thị, dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội thành phố Thái Nguyên”, ông Linh cho biết thêm.

Đây là 2 trong tổng số 9 công trình thuộc hợp phần đầu tư kết cấu, nâng cấp cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dự án có tổng mức đầu tư 100 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ WB là 57 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 43 triệu USD.

Tạo không gian phát triển thành phố Thái Nguyên ảnh 1

Tuyến đường Bắc Nam-cầu Huống Thượng đang khẩn trương hoàn thiện với sự giám sát chặt chẽ về chất lượng của Ngân hàng Thế giới.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên Vũ Văn Thán, đến cuối tháng 9/2023 tất cả các hạng mục công trình của dự án đều hoàn thành, đưa vào sử dụng và dự án sẽ kết thúc vào 31/12/2023 như hợp đồng đề ra.

Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên có nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hết năm nay, đây là thời điểm có nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 1.200 hộ gia đình, trong đó phải bố trí tái định cư cho gần 300 hộ; giá vật tư, vật liệu tăng cao, nhiều thời điểm khan hiếm.

Nhưng với sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, quyết liệt của chính quyền, các phòng, ban thành phố và nỗ lực của các nhà thầu nên các hạng mục công trình của dự án đã hoàn thành đúng tiến độ. Chất lượng, mỹ thuật các công trình được các cán bộ kỹ thuật giám sát của Ngân hàng Thế giới và người dân địa phương đánh giá cao.

Cũng từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, các hạng mục công trình thuộc Dự án Đô thị miền núi phía bắc thành phố Thái Nguyên cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2022 trở về trước, như đường Việt Bắc dài gần 10km tạo thêm một trục dọc cho thành phố, hầm chui Bắc Nam, cầu Bến Tượng... góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố Thái Nguyên.