Thái Nguyên khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng

Thái Nguyên là tỉnh nằm ở trung du miền núi, phong cảnh hữu tình, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian qua, tỉnh có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, khuyến khích, quảng bá nhằm phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm, Làng du lịch sinh thái Thái Hải đón hàng chục nghìn du khách.
Mỗi năm, Làng du lịch sinh thái Thái Hải đón hàng chục nghìn du khách.

Tiềm năng phong phú

Nằm ở phía đông bắc của Tổ quốc, có vùng sinh thái phong phú với nhiều danh thắng nổi tiếng, và là nơi đặt an toàn khu (ATK) trong kháng chiến, cùng với đó có nhiều di sản, di tích văn hóa dân tộc cho nên tỉnh Thái Nguyên xác định du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng là ngành kinh tế quan trọng.

Phía bắc tỉnh Thái Nguyên có phong cảnh thiên nhiên phong phú, hùng vĩ, núi đá cao, có nhiều hang động kỳ bí, thác nước đẹp, khí hậu trong lành, đồng bào các dân tộc thiểu số với những nét văn hóa lâu đời, cuộc sống bình dị, mộc mạc, mến khách.

Vùng trung du ở phía tây và phía nam có địa hình đồi núi thấp với những nương chè nối tiếp nhau, trong đó nổi bật nhất là vùng chè đặc sản Tân Cương ở thành phố Thái Nguyên, nơi người dân có truyền thống trồng, chế biến chè lâu đời, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương".

Không những vậy, nơi đây có lợi thế vượt trội về vùng tiểu khí hậu, nguồn nước, thổ nhưỡng đã làm nên sản phẩm nổi tiếng, được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" cho nên có sức hút đối với du lịch cộng đồng. Trong vùng chè đặc sản Tân Cương, có Làng du lịch sinh thái Thái Hải, nơi bảo tồn nhà sàn, lối sống, trang phục truyền thống của đồng bào Tày, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất".

Thái Nguyên hiện có 51 dân tộc cùng đoàn kết chung sống, trong đó tám dân tộc thiểu số chiếm số đông (30% dân số toàn tỉnh) với những nét văn hóa đặc sắc với 19 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn-Núi Võ (huyện Đại Từ), hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đền Đuổm...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: Thái Nguyên có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có quần thể di tích đặc biệt quốc gia ATK Định Hóa với 13 điểm di tích là nơi ở, làm việc của Bác Hồ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày nay đã được phục dựng, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Bên cạnh đó, còn nhiều địa chỉ tâm linh, là di tích văn hóa quốc gia.

Hỗ trợ du lịch cộng đồng phát triển

Nhằm tôn vinh, bảo tồn, lan tỏa bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, hằng năm, huyện Đồng Hỷ tổ chức Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc H’Mông ở Bản Tèn, xã Văn Lăng, bản có nhiều đồng bào H’Mông nhất tỉnh. Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Nguyễn Văn Ngọc, địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý, cảnh quan, văn hóa cho nên huyện đang có chủ trương xây dựng Bản Tèn trở thành điểm du lịch cộng đồng để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, qua đó hỗ trợ bà con phát triển kinh tế.

Anh Lê Trọng Lân ở quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: Đến với ngày hội văn hóa dân tộc H'Mông trên địa hình đồi núi cao, cảnh quan đẹp, đắm mình trong không gian văn hóa lâu đời của đồng bào, như múa khèn, múa ô, thổi kèn lá, những giai điệu mượt mà, say đắm ca ngợi tình yêu đôi lứa, thưởng thức những món ăn truyền thống bản địa; mang đến cho các thành viên gia đình những trải nghiệm khó quên.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đầu tư, hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa; xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên... Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định công nhận bảy điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại địa phương nhằm thu hút du khách.

Riêng năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đón 2,1 triệu lượt khách, sáu tháng đầu năm nay có gần 1,5 triệu lượt khách và hướng tới phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, địa phương tập trung triển khai các đề án, nghị quyết về phát triển du lịch mà tỉnh đã ban hành. Giai đoạn 2021-2025 tỉnh hỗ trợ 25 tỷ đồng để xây dựng năm điểm du lịch cộng đồng.