Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội:

Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội:

Mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD) đô thị ở Hà Nội triển khai từ 2018 đã góp phần nâng cao chất lượng giám sát, quản lý đối với công tác quản lý xây dựng. Số trường hợp vi phạm TTXD phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận đã dần bớt.
0:00 / 0:00
0:00
Đội thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế vi phạm.
Đội thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế vi phạm.

Dấu ấn từ chủ trương đúng

Đánh giá 5 năm thí điểm, Sở Xây dựng nhận định công tác QLTTXD trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, các vi phạm đã được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm TTXD phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận đã dần được hạn chế.

Trong bốn năm trước khi thí điểm (từ 10/8/2014 đến 10/8/2018), các Đội Thanh tra xây dựng (nay là Đội QLTTXD đô thị quận, huyện, thị xã) đã kiểm tra 80.987 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 7.142 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 8,82%. Còn trong bốn năm thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2022), tỷ lệ công trình vi phạm bị xử lý đã giảm xuống còn 3,69% (kiểm tra 76.170 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 2.811 trường hợp vi phạm), tỷ lệ công trình có phép, miễn phép tăng, số trường hợp có vi phạm giảm.

Hà Nội hiện có 30 Đội QLTTXD đô thị quận, huyện, thị xã, với tổng biên chế 1.083 người. Sáu tháng đầu năm 2023 (thời kỳ lấy số liệu từ ngày 31/10/2022 đến ngày 15/4/2023) UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội QLTTXD đã kiểm tra 8.728 công trình, giảm 440 công trình so cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 206 trường hợp có vi phạm, tăng 27 trường hợp so cùng thời điểm năm 2022, chiếm tỷ lệ 2,36% (so 1,95% của năm 2022).

Đội QLTTXD cũng đã tham mưu với Sở Xây dựng xử lý dứt điểm 86/206 trường hợp (chiếm tỷ lệ 41,74%), đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 120/206 trường hợp (chiếm tỷ lệ 58,26%).

Đặc biệt, thông qua các đội QLTTXD, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 424 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (giảm 133 quyết định so cùng kỳ 2022), tổng số tiền lên tới 11,6 tỷ đồng, tăng gần gấp ba lần so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 179 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTXD; 245 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Nguyên nhân tăng số tiền xử lý vi phạm hành chính tăng là do số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, sai nội dung giấy phép tăng (tăng 93 Quyết định); ngoài ra có sự thay đổi quy định pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm về xây dựng dẫn đến mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép tăng lên.

Số lượng vi phạm hành chính được các Đội QLTTXD đô thị thường xuyên tổng hợp, báo cáo theo định kỳ quý, tháng, năm giúp các địa phương sâu sát hơn trong quản lý, phát hiện được các sai phạm có tính chất nghiêm trọng, và giúp đưa ra những phương án xử lý hành chính sát hơn so với trước. Có thể nói việc thí điểm mô hình Đội QLTTXD đã phát huy được tính khả thi, phù hợp thực tiễn hiện nay của thành phố.

Thí điểm đến bao giờ?

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng hồ sơ QLTTXD do Đội QLTTXD quản lý còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa bảo đảm theo quy định, báo cáo số liệu của UBND cấp huyện, số liệu báo cáo chưa sát thực tế, còn bỏ lọt công trình vi phạm.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo một Đội QLTTXD cho rằng, đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động do chỉ trong mô hình thí điểm nên tổ chức bộ máy không ổn định, không có luật quy định, dẫn đến cán bộ nhân viên chưa thực sự ổn định để công tác khi không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy hết hiệu quả mô hình thí điểm Đội QLTTXD đô thị, cần quy định rõ trình tự thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm; trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, các biện pháp của chủ tịch UBND phường, chủ tịch UBND quận và bổ sung thẩm quyền xử lý đối với đội trưởng đội QLTTXD đô thị nhằm bảo đảm việc vi phạm về trật tự xây dựng tại đô thị được phát hiện và xử lý kịp thời như Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007.

Lãnh đạo UBND quận Long Biên cũng cho rằng, hiệu quả công việc phải bắt nguồn từ mô hình, biên chế đến phụ cấp... Do đó, đề nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận cuối cùng về mô hình Đội QLTTXD thuộc thành phố hay quận quản lý để cán bộ công chức yên tâm làm việc.

Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang đề nghị tiếp tục duy trì các Đội QLTTXD đô thị theo mô hình thí điểm. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xem xét cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý TTXD trên địa bàn, cùng với đó kiện toàn đủ số lượng công chức, lao động hợp đồng của các đội theo chỉ tiêu biên chế được UBND thành phố giao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 21 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội QLTTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội kể từ ngày 10/8/2023 cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.