Chính sách số hóa hoạt động ngân hàng còn mỏng
Chiều 10/6, thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, các chính sách số hóa hoạt động của ngân hàng là chính sách lớn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, các quy định về nội dung này trong dự thảo Luật còn tương đối mỏng.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong đó, các quy định trong dự thảo Luật về số hóa hoạt động ngân hàng mới chỉ chủ yếu dẫn chiếu sang các quy định của các luật khác, hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Cho rằng việc quy định các chính sách số hóa các hoạt động của ngân hàng cần dựa trên tập hợp các quy định của nhiều luật khác có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, An ninh mạng, Bảo vệ người tiêu dùng…, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng có mức độ chuyên sâu, do vậy dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về nội dung này.
Đặc biệt, theo đại biểu, nhiều tổ chức tín dụng đã phản ánh, với khuôn khổ pháp lý hiện tại, các tổ chức tín dụng đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai áp dụng các phương tiện điện tử trong hoạt động để vừa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật lại vừa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh.
Nhiều tổ chức tín dụng đã phản ánh, với khuôn khổ pháp lý hiện tại, các tổ chức tín dụng đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai áp dụng các phương tiện điện tử trong hoạt động để vừa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật lại vừa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và luật hóa những quy phạm đã được áp dụng ổn định trong các văn bản dưới luật để bổ sung vào dự thảo, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng ngân hàng số, tức mức độ thứ ba trong chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng.
Bảo đảm người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, tại trang 9 điểm b Tờ trình của Chính phủ có nêu "việc sửa đổi luật để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng cơ bản một cách thuận tiện, chi phí thấp tới người dân không có tài khoản ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa". Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa có nội dung quy định để cụ thể hóa quan điểm này.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, thực tế hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, các ứng dụng dịch vụ ngân hàng rất kém phát triển.
Do đó, đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần có quy định nội dung cơ chế để khuyến khích, ưu tiên cũng như quy định trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng lớn để phát triển các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng số để giúp người dân tiếp cận công bằng, bình đẳng dịch vụ ngân hàng.
Hạn chế cổ đông lớn lạm quyền để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng
Về Điều 87, 88 liên quan đến tổ chức tài chính vi mô, đại biểu cho biết dự thảo còn quy định đơn giản. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn, có tính nguyên tắc về tổ chức, mạng lưới địa bàn hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô để làm cơ sở cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật.
“Tôi cho rằng tài chính vi mô cực kỳ quan trọng liên quan đến các hoạt động tín dụng ở các vùng sâu, vùng xa và các đối tượng nghèo. Mặc dù cũng có một số điều khoản quy định liên quan đến hoạt động của các tổ chức này. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính nguyên tắc chung nhất thì lại chưa được quy định”, đại biểu nêu rõ.
Đồng thời, tại Điều 91 về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đại biểu đề nghị cần có quy định về miễn, giảm một số loại phí trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với khách hàng ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để khuyến khích phát triển dịch vụ khách hàng và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân.
Bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Đánh giá cao dự thảo luật khi cơ quan soạn thảo đã kế thừa, giữ lại những quy định nhằm giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, phần lớn tài sản, hoạt động của tổ chức, cá nhân được lưu trữ, thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến.
Đại biểu cho rằng, xã hội sẽ thượng tôn pháp luật hơn khi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều được các đối tượng bị xử phạt tuân thủ nghiêm túc. Nền kinh tế sẽ năng động, hiệu quả hơn nếu các giao kết đều được mỗi bên nỗ lực tuân thủ. Để quản lý được thuế, phải quản lý được doanh thu có khả năng chịu thuế.
Nhấn mạnh các nhận định trên có liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu mỗi tổ chức tín dụng có chung một chuẩn hệ thống thông tin lưu giữ về khách hàng gắn với số căn cước công dân hoặc mã số thuế của tổ chức, cá nhân thì Nhà nước sẽ có cơ sở để buộc mỗi tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại về kinh tế nếu bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như vi phạm các giao kết dân sự, từ đó buộc mỗi tổ chức, công dân phải tự ý thức tuân thủ pháp luật.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế vào Điều 11 của dự thảo luật, bên cạnh các trách nhiệm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bên cạnh đó, bổ sung mục 8 quy định về hệ thống thông tin khách hàng vào Chương IV hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nhánh nước ngoài, với tinh thần hệ thống thông tin khách hàng được bảo mật nhưng quy định cấu trúc thông tin chuẩn gắn với số căn cước công dân, mã số thuế của tổ chức, cá nhân để bảo đảm khi cần cơ quan chức năng sẽ tra cứu được tất cả các tài khoản của một tổ chức, công dân, cũng như có được dữ liệu về phát sinh có của tài khoản thanh toán của mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Theo đại biểu, mục này cũng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân, mở tài khoản để bảo đảm tính chính danh của tài khoản, vì nếu không chính danh sẽ là yếu tố quan trọng dẫn đến động cơ cho các hành vi phạm pháp của tổ chức và cá nhân.
Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sẵn có
Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội chiều 10/6. (Ảnh: DUY LINH) |
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận với nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, người dân cũng có những nhu cầu cấp thiết về tiêu dùng. Ngân hàng có tiền, nhưng theo cơ chế không thể cho doanh nghiệp vay.
“Hiện nay chúng ta đang vướng, ngân hàng thì có tiền, nếu theo cơ chế của chúng ta hiện nay thì không thể cho doanh nghiệp vay được mà doanh nghiệp cần nhiều tiền thì chúng ta tháo gỡ như thế nào”, đại biểu nêu băn khoăn.
Hiện nay chúng ta đang vướng, ngân hàng thì có tiền, nếu theo cơ chế của chúng ta hiện nay thì không thể cho doanh nghiệp vay được mà doanh nghiệp cần nhiều tiền thì chúng ta tháo gỡ như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân
Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong mục đích, quan điểm xây dựng luật, cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính.
Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần bám sát hơn nữa nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, giải quyết bức xúc trong xã hội đối với việc thiếu vốn.