Thị trường chứng khoán tuần mới (21-25/4):
VÙNG ĐỊNH GIÁ VẪN HẤP DẪN
NHƯNG CÂN BẰNG CÒN MONG MANH

Thị trường chứng khoán trong nước có diễn biến giằng co trong tuần qua (14 - 18/4), không như xu hướng chung của thị trường châu Âu, châu Á và khu vực. Thị trường không diễn biến xấu, nhưng động lực tăng không đủ, khiến thanh khoản trở nên thận trọng. Điểm đáng tích cực cho tuần mới (21-25/4) là thị trường cân bằng hơn mặc dù còn khá mong manh. Dòng tiền kỳ vọng sẽ đảo trụ luân phiên và tìm tới các mã có kết quả kinh doanh tốt khi định giá vẫn ở vùng hấp dẫn.
Thị trường đi ngang, thanh khoản giảm

Thị trường chứng khoán tuần qua (14-18/4) có diễn biến tích cực, ngoại trừ thị trường Mỹ. Trong khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 trên thị trường Mỹ giảm lần lượt -2,66% và -1,5% trong tuần, thì thị trường chứng khoán khu vực châu Âu đều tăng tốt (+4,03%) nhờ ECB hạ lãi suất trong tuần.
Nhiều thị trường chứng khoán khu vực châu Á cũng diễn biến tích cực, trong đó nhiều thị trường tăng khá ấn tượng như Singapore tăng tới +5,92%; Ấn Độ tăng +4,48%... Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng lần lượt +1,19% và +2,3%. Khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore thì các thị trường cũng tăng như Malaysia tăng +3,07%; Thái Lan tăng +1,97%; hay Indonesia tăng +2,81%...
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co trong tuần. VN-Index có 3/5 phiên tăng nhưng tổng chung cả tuần vẫn giảm nhẹ -3,34 điểm so với tuần trước, tương ứng -0,27%, kết tuần ở mức 1.219,12 điểm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng điều chỉnh giảm trong tuần. Chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 213,1 điểm, giảm -0,11 điểm so với tuần trước; trong khi đó, UPCoM-Index giảm mạnh hơn với -2,09%, chỉ còn 91,3 điểm khi đóng cửa.
Trong tuần, nhóm VN30 giảm nhẹ -0,28%; trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ngược dòng thị trường với mức tăng +1,46% đối với midcap và +1,48% với smallcap.
Mặc dù VIC giảm sàn trong phiên cuối tuần, nhưng nhóm Vingroup vẫn là trụ đỡ cho thị trường tuần qua. Cùng hỗ trợ cho phía tăng của thị trường tuần qua còn có nhóm cổ phiếu Logistics (+5,64%), Hóa chất (+4,49%), Bán lẻ (+4,48%)… Trong khi đó, một số nhóm cổ phiếu điều chỉnh giảm tạo áp lực cho thị trường, điển hình là nhóm công nghệ (-5,55%), Viettel (-4,32%), Cao su tự nhiên (-3,58%), Dệt may (-3,23%)…
Tâm lý thị trường có phần thận trọng hơn nếu nhìn qua dòng tiền. Thống kê cho thấy, tổng thanh khoản bình quân phiên toàn thị trường trong tuần đạt 24.123 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với tuần trước ở mức -14,5%. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường cũng sụt -17,2% xuống 21.624 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản bình quân giảm trên cả 3 sàn, trong đó HOSE giảm -13,1%; HNX giảm -15,4%; và UPCoM giảm mạnh nhất -46,8% so với tuần trước.
Khối ngoại tuần qua tạo thêm áp lực giảm cho thị trường chung khi quay lại bán ròng với giá trị lớn. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng -5.258 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở cổ phiếu VIC hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đó, lực bán của khối ngoại tập trung vào các mã như: VIC (-4.361 tỷ đồng), HCM (-372 tỷ đồng), FPT (-344 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng ở: HPG (+535 tỷ đồng), MWG (+378 tỷ đồng)…
“Soi kính lúp, lọc nhẹ hàng tốt” cho dài hạn

Thị trường chứng khoán trong nước cơ bản có tuần giằng co và không có nhiều diễn biến mang tính điểm nhấn. Thị trường tuần mới có thể sẽ cũng không có quá nhiều biến động mạnh nếu không xuất hiện thông tin tác động đủ mạnh. Thị trường có thể sẽ ngóng chờ nhiều hơn về diễn biến mới của cuộc đàm phán thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước.
Một thông tin khác cũng sẽ được quan tâm chính là động thái về lãi suất của Fed vào cuối tháng 4 này trước sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cũng như những chuyển biến về lạm phát hay các biến động chỉ số kinh tế vĩ mô nước này.
Bên cạnh đó, có thể giới đầu tư cũng bị tác động bởi một số căng thẳng địa chính trị một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong tuần mới.
Ở trong nước, thị trường đang trong vùng chuyển động tìm điểm cân bằng ở mức 1.200 – 1.250 điểm. Các thông tin thuế quan sẽ dịu đi và có thể nhường chỗ cho sóng kết quả kinh doanh quý I được công bố rầm rộ hơn vào nửa cuối tháng 4. Thị trường nhìn chung đã cân bằng hơn, nhưng sự cân bằng này còn khá mong manh. Tâm lý có thể bị tác động nhanh và thay đổi xu hướng nếu thị trường gặp thông tin đủ mạnh.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã hồi phục lên vùng 1.240 điểm sau khi bị giảm 270 điểm chóng vánh. Nhìn riêng về điểm số, VN-Index cũng đã hồi phục khá tốt, vì thế trong kịch bản cơ sở, vùng dao động có thể là 1.200-1.250 điểm. Mốc 1.200 vẫn đang cho thấy sự chắc chắn đáng kể và tiền sẽ bắt đáy nếu VN-Index tiệm cận hoặc về dưới mốc này.
Thanh khoản thị trường nhìn chung vẫn ở mức khá. Giá trị khớp lệnh vẫn trên 21.000 tỷ đồng/phiên không phải con số nhỏ. Dòng tiền dù giảm nhưng vẫn cho thấy sự luân chuyển khá tốt và tìm về các nhóm dẫn dắt như đầu tư công, Vingroup hay logistics… Và điều quan trọng là dòng tiền có được duy trì và luân chuyển thế nào trong tuần này. Dòng tiền thông minh có thể tìm tới các nhóm có kết quả kinh doanh tốt đã lộ diện dần như ngân hàng hay chứng khoán… Cổ phiếu chứng khoán bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc sẽ đi kèm với đó là kỳ vọng về hệ thống KRX và nâng hạng thị trường.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng dự kiến có lợi nhuận quý I vẫn “khủng”, nhưng ngắn hạn nên lưu tâm hoạt động cơ cấu danh mục của các ETF mô phỏng chỉ số VN30 tuần này. Theo kế hoạch, cuối tháng, các ETF sẽ bán ra nhiều cổ phiếu ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ theo bộ chỉ số mới của HOSE.
Nhìn về định giá, thị trường vẫn đang ở vùng khá hấp dẫn. Chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,58 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức P/E trung bình kể từ năm 2020, và hiện thấp hơn 20% so với mức trung bình.

Nhìn về định giá, thị trường vẫn đang ở vùng khá hấp dẫn. Chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,58 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với mức P/E trung bình kể từ năm 2020, và hiện thấp hơn 20% so với mức trung bình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư theo xu hướng dài hạn. Nhìn trong tuần mới, khả năng giằng co còn xuất hiện, vì thế khi định giá còn hấp dẫn thì sẽ có cơ hội để “lọc hàng ngon”.
Lý thuyết chọn lựa cổ phiếu trong bối cảnh này là đầu ngành, giá trị cơ bản tốt, ít chịu tác động thuế quan. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy vẫn được khuyến nghị chưa nên, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, bởi biến động bất thường vẫn hiện hữu, nhất là tình hình thuế quan toàn cầu hay căng thẳng địa chính trị khiến đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu.
Thống kê cho thấy, kể từ đầu tháng 4, thanh khoản bình quân phiên toàn thị trường đạt 27.685 tỷ đồng, tăng +21,7% so với tháng 3 và tăng +13,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt 20.278 tỷ đồng, giảm nhẹ -3,81% so với mức bình quân năm 2024.

Ngày xuất bản: 21/4/2025
Tổ chức thực hiện: Kim Phương Bình
Nội dung và trình bày: Long Ân - Khánh Bách - Mai Anh Thu