Hạn chế cổ đông lớn lạm quyền để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng

NDO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế hành vi lạm quyền của cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) nhận định tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Đại biểu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết.

Hạn chế cổ đông lớn lạm quyền để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực, quyền tự quyết quá lớn tập trung vào một ông, bà chủ nào đó, từ đó hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.

“Tuy nhiên, thực tế vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh hội đồng quản trị và ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Cho nên các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn”, đại biểu Trung nêu rõ.

Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền của cổ đông lớn (quyền quản trị, điều hành) để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Số tiền thu hồi được là rất ít so với số tiền của người dân bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao

Cho ý kiến về quy định

cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, đại biểu Trung cho rằng quy định dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian trong thực tiễn của công tác phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng hiện nay.

Đại biểu nêu rõ, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng triển khai truy xét dòng tiền và phong tỏa tài khoản.

Hạn chế cổ đông lớn lạm quyền để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng ảnh 3

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận chiều 10/6. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì không đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn kịp thời về chuyển tiền vào các đối tượng. Sau khi lừa được tiền, các đối tượng liên tục chuyển tiền đi rất nhanh, nên số tiền thu hồi được là rất ít so với số tiền của người dân bị lừa.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đại biểu đề nghị cần ban hành quy định và rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết sau khi luật được ban hành.

Ngoài ra, cần phải rà soát luật hóa các quy định tính chính danh của tài khoản tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn bảo đảm hiệu lực thi hành tại các văn bản quy phạm pháp luật phải liên thông với nhau, hỗ trợ việc xác định tính chính danh.

Trong luật này cũng cần có quy định cụ thể về các điều kiện bắt buộc các tổ chức tín dụng phải có nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất trong nhận diện khách hàng để bảo đảm tính chính danh; yêu cầu tổ chức tín dụng có trách nhiệm rà soát, phát hiện và phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tài khoản không chính danh.

Cần quy định rõ trường hợp nào được cung cấp thông tin của khách hàng

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề như ngân hàng, luật sư… được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ.

Cụ thể, dự thảo Luật đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hạn chế cổ đông lớn lạm quyền để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng ảnh 4

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Cũng quan tâm đến nội dung bảo mật thông tin của khách hàng, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trường hợp nào thì được cấp thông tin của khách hàng.

“Thí dụ trường hợp khách hàng chết, mất năng lực hành vi dân sự, người thừa kế đến để yêu cầu cung cấp thông tin hoặc pháp luật yêu cầu ngân hàng phải thực hiện báo cáo định kỳ…”, đại biểu Hương nói.