Cà Mau đặt kỳ vọng thông qua hội thảo lần này sẽ đề ra được những giải pháp hiệu quả khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm phát triển bền vững chuỗi ngành hàng tôm, góp phần đưa ngành tôm Cà Mau nói riêng, ngành tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ nuôi tôm của cả nước với tổng diện tích nuôi tôm vào năm 2022 đạt hơn 700.000ha, sản lượng khoảng 700.000 tấn, chiếm hơn 90% về diện tích và 95% về sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước.
Diện tích nuôi tôm dưới tán rừng (tôm-rừng) tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được liên kết chuỗi từ Tập đoàn Minh Phú. |
Trong đó, Cà Mau là địa phương có tiềm năng lớn về nuôi tôm, với tổng diện tích nuôi gần 280.000ha. Nuôi tôm của Cà Mau đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua với nhiều loại hình nuôi khác nhau: tôm-lúa, tôm-rừng, tôm thâm canh, siêu thâm canh, tôm quảng canh cải tiến…
Năm 2022, ngành tôm Cà Mau đóng góp hơn 88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt của tỉnh, với hơn 1 tỷ USD.
Hiện, tôm Cà Mau đã được xuất khẩu qua hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có 5 thị trường lớn, gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tham gia ý kiến tại hội thảo. |
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, xác định rõ tầm quan trọng của liên kết chuỗi nên suốt thời gian qua, Cà Mau đã không ngừng thúc đẩy các mối liên kết chuỗi giá trị nhằm đưa ngành tôm phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Trong đó, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp Cà Mau đã phối hợp các tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận hữu cơ, sinh thái (trong nước và quốc tế).
Sản phẩm tôm-rừng liên kết chuỗi sau thu hoạch tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Tham gia chuỗi liên kết tại Cà Mau có 7 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng diện tích hơn 23.000ha, quy mô 4.000 hộ. Trong đó, vùng nuôi tôm-rừng 22.600ha, tôm-lúa 565ha, sản lượng hàng năm đạt từ 8.000-10.000 tấn.
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng tôm của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững; ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn; xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc cho ngành hàng tôm của tỉnh, tiến tới chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm của địa phương và các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế khác.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từng bước giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng tôm; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân…
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Cà Mau phấn đấu xây dựng mới từ 15-20 chuỗi liên kết trong nuôi tôm; sản lượng tôm được tiêu thụ thông qua liên kết đạt khoảng 5.000 tấn.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, doanh nghiệp… đóng góp ý kiến và trình bày nhiều tham luận liên quan gắn kết chuỗi, thúc đẩy giá trị ngành hàng tôm...
Một số quan ngại cũng đã được nêu ra: hiện chưa có dự án về nuôi tôm được hỗ trợ theo Nghị định 98/NĐ-CP; tỷ lệ các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất thấp so với tỷ lệ số hộ và diện tích nuôi; đa số các chuỗi liên kết quy mô nhỏ và chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Năng lực của các chủ thể trong liên kết chưa thực sự mạnh, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp tác; việc liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn chủ đạo…
Những khó khăn, tồn tại vừa đề cập một khi được giải quyết thấu đáo mới mong có lời giải cho câu chuyện liên kết chuỗi ngành hàng tôm bền chặt lâu dài và mang lại kết quả như mong muốn.