Đại diện một số bộ, ngành T.Ư, UBND các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên; một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và người nuôi tôm các tỉnh trong khu vực dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, hiện nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt hơn 635 nghìn ha, tăng 102,5% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582 nghìn ha, tăng 101,4% so năm 2017. Trong số này, diện tích tôm thẻ chân trắng 54.500 ha, tăng hơn 116% so năm 2017. Đáng chú ý, sản lượng thu hoạch tôm sáu tháng qua đạt gần 195 nghìn tấn, tăng 111% so cùng kỳ năm 2017…
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nghề nuôi tôm của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đáng lưu ý, chỉ tính trong quý II-2018, giá tôm nguyên liệu giảm từ 10 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg tùy theo cỡ tôm. Đây là vấn đề khiến hàng chục nghìn hộ nuôi tôm trong nước rất quan tâm, lo lắng.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhiều người nuôi tôm giỏi đã phát biểu nêu nhiều ý kiến, giải pháp rất cụ thể, thiết thực nhằm tìm giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm hiệu quả cao, bền vững…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Người dân cần phải bình tĩnh trước tình hình giá tôm sụt giảm mạnh hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh không nên bán tôm cỡ nhỏ; bà con nuôi ao đất thì cần điều chỉnh quy trình nuôi hợp lý, tránh nuôi với mật độ dày để giảm bớt chi phí đầu tư. Các doanh nghiệp cần “đồng hành” cùng người nuôi tôm trong giai đoạn khó khăn này, xem đây là cơ hội để nuôi dưỡng thị trường lâu dài theo hướng bền vững…