Liên kết chuỗi ngành tôm để phát triển bền vững

NDO -

NDĐT – Gần đây, giá tôm tụt sâu, chúng ta mới thấy giá trị quan trọng của chuỗi giá trị ngành hàng tôm. Từ chuỗi giá trị này, sẽ góp phần hạn chế khó khăn và rủi ro, giúp ngành tôm phát triển…

Con tôm Cà Mau có “chỗ đứng” trên thị trường xuất khẩu nhờ truy xuất được nguồn gốc.
Con tôm Cà Mau có “chỗ đứng” trên thị trường xuất khẩu nhờ truy xuất được nguồn gốc.

Đó là nhận định của ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau tại Hội thảo hợp tác, liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm và phát triển bền vững ba tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng, diễn ra tại Cà Mau ngày 25-5.

Theo ông Châu Công Bằng, thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành tôm Cà Mau, cũng như các địa phương lân cận. Thông qua việc liên kết hỗ trợ kỹ thuật vùng nuôi, liên kết chuỗi đầu vào, đầu ra… đã giúp con tôm có chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nếu tổ chức sản xuất không bảo đảm được việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa và cả môi trường thì đầu ra sẽ vô cùng khó khăn. Do vậy, việc hợp tác liên kết chuỗi giá trị là định hướng mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện.

Liên kết chuỗi ngành tôm để phát triển bền vững ảnh 1

Thu hoạch tôm công nghiệp tại Cà Mau.

Sau hai năm triển khai thực hiện dự án hợp tác - liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm và phát triển bền vững ba tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng, trong vùng dự án đã có 25 liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có ba hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đạt được chứng nhận quốc tế ASC; chín HTX, THT tiến tới đạt chứng nhận này trong năm 2018. Thành công bước đầu là vậy nhưng chuỗi liên kết vẫn còn những tồn tại, khó khăn, như: Mô hình kinh tế tập thể (HTX, THT) chưa hoàn chỉnh, nên vai trò quyết định cũng như điều phối, giám sát của ban giám đốc chưa thực sự mạnh mẽ; đa số HTX, THT vùng dự án còn yếu về năng lực tài chính nên khó khăn trong thực hiện liên kết đầu vào; còn lợi ích nhóm trong cộng đồng, gây cản trở trong liên kết giữa doanh nghiệp và HTX; nhiều ngân hàng thương mại chưa mặn mà với mô hình cho vay theo chuỗi tôm; chưa có khung pháp lý, chế tài trong xử phạt các trường hợp phá vỡ liên kết hoặc không tuân thủ đầy đủ theo các quy định được đưa ra trong hợp đồng liên kết...

Hiện nay, chi phí sản xuất ngành tôm của cả nước nói chung và các vùng trọng điểm nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nói riêng còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Do đó, việc liên kết đầu vào, đầu ra cũng như cách tổ chức sản xuất… là giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho ngành tôm. Khi thực hiện chuỗi giá trị, người nuôi theo quy mô nhỏ sẽ được bảo đảm đầu ra bền vững, phía doanh nghiệp thủy sản cũng có nguồn nguyên liệu ổn định, và công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này sẽ thuận tiện hơn thông qua các đầu mối.