Tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững

Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết số 54) của Quốc hội khóa XIV về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ giúp thành phố dần thoát khỏi "chiếc áo cơ chế" đã trở nên chật chội so với quy mô, trình độ nền kinh tế trong nhiều năm qua. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thí điểm, Nghị quyết số 54 phần nào phát huy nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế phù hợp để phát triển nhanh, bền vững.
Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế phù hợp để phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã cho phép thành phố thực hiện 18 nội dung thuộc năm lĩnh vực: Đất đai; đầu tư; tài chính- ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Đến nay, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua 13 nội dung, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng như: Ban hành Quyết định ủy quyền công việc của UBND thành phố cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện; ủy quyền công việc của Chủ tịch UBND thành phố cho Chủ tịch UBND quận, huyện; Quyết định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc. Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lê Minh Đức cho biết: "Năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước tại thành phố rất cao. Nếu tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng số cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị thành phố là 14.195 người. Tức là bình quân một cán bộ, công chức quản lý nhà nước của thành phố phục vụ 346 người dân thường trú tại địa bàn, trong khi bình quân cả nước khoảng 187 người dân/cán bộ, công chức quản lý nhà nước". Từ thực tế nêu trên, việc TP Hồ Chí Minh triển khai chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức đã tạo động lực, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Dù có vài tín hiệu lạc quan, tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 54, có hơn hai năm kinh tế thành phố phải chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên nhìn chung chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Một số nội dung chậm được thực hiện, cũng có nội dung chưa thực hiện được. Đơn cử như các nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố quản lý, thưởng vượt thu ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn… chưa được thực hiện cho nên chưa có nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng lớn. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: Tốc độ tăng trưởng của thành phố gần đây chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng đáng lo ngại hơn là do còn nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ như thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực…

Tại Hội thảo Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 54/2017/QH14 do Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền nam và Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, những hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 thời gian qua là do cơ chế đặc thù này chỉ tập trung vào các quy định dưới luật. Các nội dung liên quan luật, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thì thành phố vẫn phải xin ý kiến và chờ trả lời của các bộ, ngành rồi trình lên Chính phủ xem xét, chỉ đạo, quyết định. Các nội dung xin làm thí điểm cũng phải thực hiện như trên. Ngoài ra, Nghị quyết số 54 có thời hạn áp dụng trong 5 năm, sau 5 năm thì hết thời hạn. Do đó, đối với các cơ chế, chính sách ban hành áp dụng thí điểm trong 5 năm, sau 5 năm phải xin gia hạn, nếu không được Quốc hội gia hạn thì sẽ ngưng áp dụng. Do vậy, thành phố sẽ không thể phát triển ổn định, bền vững. Gần đây, làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên xem xét có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54. Theo bà Phạm Phương Thảo, trong trường hợp chưa có nghị quyết thay thế, Nghị quyết số 54 nên được xem xét để gia hạn. "Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị, trong đó có chương trình về đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tránh trường hợp có quá nhiều cơ chế đặc thù"- bà Phạm Phương Thảo chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy nhiều tín hiệu vui về một sự bứt phá của thành phố trong thời gian tới. Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp nhiều hơn cho cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh càng phải nỗ lực về mọi mặt. Song song đó, thành phố cũng cần Trung ương quan tâm tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc nhất là về cơ chế, thể chế một cách căn cơ, để tạo động lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.