Tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội

Với những chính sách và hành động cụ thể, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng. (Ảnh: THANH LOAN)
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng. (Ảnh: THANH LOAN)

Nổi bật là tỷ lệ cán bộ, công chức nữ trong đó có cán bộ, công chức nữ là người dân tộc thiểu số tham gia trong khu vực công tại các địa phương ngày càng tăng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có dân số chiếm 14,3% số dân cả nước.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có dân số chiếm 14,3% số dân cả nước.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới. Cụ thể như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Để góp phần cải thiện đời sống, nâng cao trình độ, dân trí, bảo đảm trật tự an ninh xã hội và chủ quyền quốc gia, việc thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là công tác xã hội quan trọng cần ưu tiên, đặt lên hàng đầu.

Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tính đến năm 2023, trong các vùng kinh tế-xã hội, khu vực trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị cao nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và nhân dân.

Tính đến tháng 5/2024, cả nước đã thành lập được 8.624/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, truyền thông cho 368.302 người dân tại cộng đồng; Thành lập, củng cố 1.809/1.000 địa chỉ tin cậy; thành lập 1.556/1.800 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Theo Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), vấn đề được nhiều chị em quan tâm là tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Để hỗ trợ nhu cầu thiết thực này của chị em tại các địa phương, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép, hỗ trợ sử dụng vốn vay hiệu quả. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hội chợ, triển lãm, gian hàng hỗ trợ xúc tiến thương mại. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ hơn 45.000 phụ nữ tham gia các lớp tập huấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 55.000 phụ nữ.

Riêng ở cấp Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 34 lớp tập huấn cho 2.213 cán bộ Hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thành viên hợp tác xã, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể.

Trong triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, thu nhập, đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số thì Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có vai trò quan trọng. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tính đến năm 2023, trong các vùng kinh tế-xã hội, khu vực trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính và tổ chức chính trị cao nhất cả nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung.

Các mô hình tiết kiệm tín dụng, mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ, ưu tiên hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được triển khai, nhân rộng.

Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam xây dựng 4 mô hình giảm nghèo “Phát triển sản xuất cộng đồng” hỗ trợ cho 40 hộ phụ nữ tại các xã Lăng, B’halê (huyện Tây Giang); xã Tà Lu, Sông Kôn (huyện Đông Giang) với kinh phí 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời, triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia gia quản lý và tạo việc việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2023” của Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 101 hợp tác xã với 302 thành viên nữ và 608 lao động nữ.

Để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Quảng Trị đã vận động, khai thác nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, các cấp Hội phối hợp với tổ chức Plan triển khai dự án “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Quảng Trị” nhằm hỗ trợ trẻ phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 11 đến 24 tuổi được nâng cao vị thế trong xã hội, có cơ hội học tập và phát triển trong một môi trường được bảo vệ và không còn phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào trong cuộc sống.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, mặc dù giao thông đã được cải thiện, nhưng dân trí, điều kiện sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Cùng với nhiều chính sách nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định đã tổ chức 198 buổi truyền thông sân khấu hóa tại 22 xã, 7 thôn tuyên truyền các nội dung về xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định còn có nhiều hoạt động đa dạng hình thức và nội dung như: Lễ phát động và diễu hành hưởng ứng vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Tọa đàm "Vai trò Phụ nữ trong xã hội hiện đại" với sự tham gia của cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số...

Có thể khẳng định, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó giúp cho chị em vượt qua mọi rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và công bằng cho toàn xã hội.

Tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội ảnh 1

Phụ nữ xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng chăm sóc đàn gia súc. (Ảnh: DUY LINH)

Tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội ảnh 2

Tuyên truyền sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: DUY LINH)

Tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội ảnh 3

Lễ phát động chiến dịch truyền thông tuyên truyền thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) tổ chức. (Ảnh: HỮU ĐƯỢC)

Tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội ảnh 4

Lớp dạy may cho phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái do Công ty TNHH thời trang Elise phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức. (Ảnh: HOÀI THU)