Bình đẳng giới và công bằng xã hội trong canh tác lúa phát thải thấp

NDO - Học viên được tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới; kết nối, hòa nhập người khuyết tật tham gia trong các hoạt động của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên tham gia tập huấn theo hình thức thảo luận, làm việc nhóm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Học viên tham gia tập huấn theo hình thức thảo luận, làm việc nhóm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ngày 16/7, tại Đồng Tháp, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hành bình đẳng giới và công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao).

Lớp tập huấn có sự tham gia của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông cộng đồng, Phòng Bảo trợ Người khuyết tật thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đại diện lãnh đạo các huyện và xã có hợp tác xã xây dựng mô hình, các thành viên hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Chương trình tập huấn được tổ chức theo hình thức thảo luận, làm việc nhóm, chơi trò chơi, giúp học viên dễ tiếp nhận thông tin.

Mục tiêu của lớp tập huấn nhằm tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới trong cộng đồng; kết nối, hỗ trợ, lồng ghép, hòa nhập người khuyết tật tham gia trong các hoạt động của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Bình đẳng giới và công bằng xã hội trong canh tác lúa phát thải thấp ảnh 2
Trao tặng quà cho học viên có nội dung trả lời tốt trong quá trình thảo luận. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Chương trình tập huấn giúp các học viên khuyết tật có kỹ năng vượt qua rào cản và lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong các hoạt động của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Các học viên cũng được tập huấn các kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới, những vấn đề về giới trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo và lồng ghép giới trong các hoạt động của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Đây là lớp tập huấn thứ 2 trong 7 điểm thực hiện mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, năm 2024, tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại 7 huyện, thành phố, gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười và thành phố Hồng Ngự, tổng diện tích gần 70.000ha. Định hướng đến năm 2030, Đề án triển khai với tổng diện tích 161.252ha.