Tạo bước chuyển trong đổi mới giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời xây dựng, phát triển tình cảm, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của người học. Những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nhiều giải pháp đổi mới giáo dục tiểu học, nhất là trong dạy học ngoại ngữ, tin học và triển khai tổ chức dạy học giáo dục địa phương theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) trong giờ Tin học.
Học sinh Trường tiểu học Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) trong giờ Tin học.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, những năm qua, các cơ sở giáo dục tiểu học đã đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn; giáo viên vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trong đó, môn Ngoại ngữ, Tin học trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được các cơ sở giáo dục tập trung nâng cao chất lượng.

Tại Trường tiểu học Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, những năm qua, trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Thầy giáo Ðào Duy Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy Ngoại ngữ, Tin học của trường thường xuyên được tập huấn, bảo đảm tốt kiến thức, kỹ năng sư phạm. Bên cạnh đó, trường được trang bị đủ phương tiện, thiết bị dạy học như máy chiếu, loa, ti-vi, mạng internet...

Vì vậy, kết quả dạy học, trình độ, năng lực ngoại ngữ của học sinh được cải thiện rõ rệt, các em tự tin hơn khi thực hiện các hoạt động trình bày, thuyết trình bằng tiếng Anh. Ngoài ra, phần lớn học sinh của trường đều đạt được các kỹ năng cơ bản về tin học như sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng, truy cập internet và biết cách tìm kiếm thông tin hiệu quả, hứng thú khi tham gia học tập.

Toàn tỉnh hiện có 224 phòng học tiếng Anh, trong đó, mỗi trường tiểu học có ít nhất một phòng học tiếng Anh chuyên dụng theo quy định. Với 547 giáo viên tiếng Anh trên địa bàn, hằng năm, ngành giáo dục tỉnh thường xuyên tập huấn sử dụng sách giáo khoa; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng sách mềm và các phần mềm dạy học ngoại ngữ.

Phí Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Ðào tạo Bắc Ninh)

Các trường học được khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động đọc truyện, trải nghiệm, tổ chức sân chơi, giao lưu, giúp học sinh nâng cao năng lực giao tiếp và hứng thú với tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với ngoại ngữ, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện cũng có 200 phòng học và 217 giáo viên dạy tin học với 100% cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy Tin học cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5. Nhiều hoạt động giáo dục tin học, các cuộc thi, sân chơi có ứng dụng kỹ năng tin học được phát động… Vì vậy, năm học 2023-2024 toàn tỉnh có 83,8% học sinh lớp 1, 2 được học tiếng Anh theo hình thức tự chọn; 100% học sinh lớp 3, 4 học môn tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc theo chương trình; học sinh lớp 5 học môn tiếng Anh bốn tiết/tuần trở lên và 99,2% được học môn Tin học.

Không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương trên cả nước tích cực triển khai chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học Ngoại ngữ, Tin học kịp thời và hiệu quả. Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Thái Văn Tài cho biết, hiện nay, 100% các trường đã tổ chức dạy học Ngoại ngữ bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4 theo yêu cầu của chương trình; đội ngũ giáo viên được tăng cường; cơ sở vật chất (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối internet) phục vụ công tác dạy học Ngoại ngữ, Tin học được chú trọng.

Từ một môn học tự chọn, đến nay tổng số học sinh học tiếng Anh trong cả nước đạt hơn 80% (lớp 1, 2 học theo hình thức tự chọn; lớp 3, 4 học theo hình thức bắt buộc; lớp 5 học theo chương trình thí điểm và hình thức tự chọn). Môn Tin học được dạy cho 100% học sinh lớp 3, 4; còn học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen học theo hình thức môn học tự chọn.

Việc triển khai dạy học Ngoại ngữ, Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cố gắng và đổi mới rất lớn, là điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho những công dân số, kỹ năng số tương lai.

Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo

Nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng là hoạt động giáo dục mới, đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương do khó khăn trong biên soạn, phê duyệt tài liệu cũng như công tác in, phát hành. Tuy nhiên, ngành giáo dục và các địa phương từng bước khắc phục, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nội dung giáo dục địa phương bảo đảm chất lượng.

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, giáo dục địa phương cấp tiểu học gặp khó khăn do một số nội dung, hình ảnh, ngữ liệu chưa phù hợp với đối tượng học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cũng như các trường đã thảo luận chuyên môn, xây dựng kế hoạch lồng ghép nội dung giáo dục địa phương qua hoạt động của các môn học, bài học cụ thể.

Thầy giáo Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, các trường và giáo viên luôn tạo điều kiện để học sinh tự khám phá, hình thành kiến thức và tự rèn luyện, thực hành, được làm việc, được nói, được chia sẻ nhiều hơn; khai thác tối đa tài liệu, bảo đảm nội dung giáo dục địa phương được truyền tải đến học sinh một cách hiệu quả và toàn diện nhất.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tiểu học bảo đảm tiến độ theo quy định, đáp ứng yêu cầu học tập của 106.939 học sinh tại 207 cơ sở giáo dục có cấp tiểu học.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Quảng Ngãi, các cơ sở giáo dục tiểu học đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường bảo đảm theo hướng dẫn, phù hợp với thực tế và đã lựa chọn những nội dung giáo dục địa phương để tích hợp vào hoạt động trải nghiệm, các môn học khác có liên quan, giúp các em nắm bắt được những thông tin, kiến thức bổ ích.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình có 146 trường tiểu học, đều đã đưa vào giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh khám phá và tích lũy vốn hiểu biết một cách toàn diện, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, kết quả triển khai dạy học nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đã giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, xã hội và môi trường, danh lam, thắng cảnh ở nơi các em sinh sống. Nội dung giáo dục địa phương cũng bồi dưỡng cho các em tình yêu, ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa của quê hương và vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Kết thúc năm học 2023-2024, có 63/63 tỉnh, thành phố đã có tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 4 được phê duyệt theo quy định.

Năm học 2023-2024, giáo dục tiểu học đã đạt kết quả khá toàn diện, trong đó, một số điểm sáng phải kể đến là công tác thẩm định, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức chỉ đạo dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo

Ðể tiếp tục tháo gỡ khó khăn triển khai nội dung giáo dục địa phương hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện khung nội dung; rà soát, cập nhật số liệu, ngữ liệu trong tài liệu bảo đảm tính chính xác, khoa học, hiện đại.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác biên soạn, thẩm định, in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với đặc thù cấp học, lớp học, đúng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018….