Ngày 17/9, Tổ chức Khí tượng thế giới đã chính thức công bố báo cáo mới nhất về tình trạng tầng ozone hiện nay. Theo đó, WMO nhận định, "lá chắn" bảo vệ Trái đất khỏi bức xạ cực tím đang phục hồi khả quan.
Cụ thể, các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, theo xu hướng hiện tại, tầng ozone sẽ phục hồi về mức năm 1980 vào khoảng năm 2066 ở Nam Cực, năm 2045 ở Bắc Cực và năm 2040 ở các phần còn lại của thế giới.
“Mặc dù vụ phun trào núi lửa gần Tonga đầu năm 2022 có làm suy giảm tầng ozone ở Nam Cực trong thời gian ngắn, nhưng tổn thất vẫn ở mức hạn chế”, báo cáo cho hay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố rằng Nghị định thư Montreal, có hiệu lực từ năm 1989, đã đồng ý loại bỏ dần khí chlorofluorocarbon (CFC) và các chất làm suy giảm tầng ozone khác.
Sau hành trình hơn 30 năm thực hiện, Nghị định thư Montreal được đánh giá là điều ước quốc tế rất thành công, kết nối các quốc gia trên thế giới chung tay loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ozone để khôi phục tầng ozone trở về nguyên trạng. Lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ cho hành động khí hậu giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu và trì hoãn băng tan vào mùa hè tại Bắc Cực trong 15 năm tới.