Ozone là lớp khí quyển mỏng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thành phần không khí bao quanh quả đất. Các nhà khoa học tính rằng cứ 10 triệu phân tử không khí, trung bình chỉ có ba phân tử ozone. Mặc dù không nhiều, nhưng các phân tử ozone lại có đặc tính quý báu là hấp thụ bức xạ tia cực tím (UV) của mặt trời, đặc tính không có ở bất kỳ một chất khí nào khác trong khí quyển. Với đặc tính này, ozone thật sự trở thành tấm lá chắn quan trọng bảo vệ con người và các loài sinh vật trên mặt đất khỏi tác hại của tia cực tím.
Ozone được tạo thành trong tầng bình lưu do sự tác động của bức xạ mặt trời lên phân tử oxy; là một phân tử không bền vững được tạo thành từ ba nguyên tử oxy (O3). Phân tử ozone có mầu xanh, tập trung chủ yếu ở tầng bình lưu, độ cao từ 16 đến 48 km cách mặt đất, tạo thành tầng ozone, có độ dày 24 km. Các nhà khoa học đã khám phá ra các hợp chất hóa học có chứa clo và brôm có tính bền vững có trong thành phần Clo-rua-phlo-rua-các-bon (CFCs), chất khí thoát ra từ các bình phun, thiết bị làm lạnh như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ; chất tẩy công nghiệp... là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự phá hủy tầng ozone. Khi tầng ozone suy giảm, lượng bức xạ của UV tới quả đất tăng lên. Khi lượng khí ozone giảm 1% thì lượng bức xạ UV tăng 1,3%. Sự tăng lên của bức xạ UV làm tăng khả năng bị ung thư da, đục nhân mắt, phá hủy hệ thống miễn dịch của con người, làm giảm năng suất cây trồng và mất cân bằng hệ sinh thái biển.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) tầng ozone của quả đất suy giảm mạnh trong những thập niên gần đây. Lỗ hổng tầng ozone được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1986, thường xuất hiện vào tháng 8 và đạt mức lớn nhất vào cuối tháng 9 hằng năm ở Nam Cực, trung bình tới 10 triệu dặm vuông (một dặm = 1,6 km); đặc biệt năm 2003 đạt 11,2 triệu dặm vuông.
Nhận thức được những hiểm họa do tầng ozone suy giảm gây ra, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi tất cả các nước hạn chế sản xuất và sử dụng các chất phá hủy tầng ozone (ODS).Với cố gắng của UNEP và WMO, sau nhiều năm đàm phán căng thẳng, tháng 3-1985, Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone đã được 21 quốc gia đầu tiên hưởng ứng ký kết. Năm 1987, Nghị định thư Montreal được ký kết, đến nay có 189 nước thành viên, nhằm cụ thể hóa các giải pháp và những cam kết của các bên Công ước Viên, bảo đảm cho công ước được thi hành có hiệu quả.
Nghị định thư Montreal cũng đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại đối với các chất ODS, thiết lập quỹ đa phương (do các nước công nghiệp phát triển chịu trách nhiệm đóng góp) để trợ giúp các nước đang phát triển thi hành nghị định thư này.
Nghị định thư Montreal được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 1990 và 1992 nhằm tăng cường kế hoạch loại trừ các chất ODS theo từng giai đoạn, theo nguyên tắc không gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong việc cắt giảm các chất ODS. Các nước đang phát triển, được gia hạn thêm mười năm so với các nước phát triển trong việc loại trừ các chất ODS, yêu cầu được hỗ trợ tài chính và được chuyển giao công nghệ không sử dụng ODS để thực hiện việc cắt giảm các chất này theo các điều khoản của Nghị định thư Montreal. Bình quân mỗi năm Quỹ đa phương chi khoảng 150 triệu USD giúp các công ty ở các nước đang phát triển chuyển từ sản xuất các sản phẩm có chứa CFC2 sang các sản phẩm sử dụng các chất không phá hủy (hoặc phá hủy ở mức độ ít hơn) tầng ozone như HCFC2, HFC2 và các loại hóa chất khác trong các sản phẩm như bình xịt tóc, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... 2,1 tỷ USD đã được chi những năm qua nhằm bảo vệ tầng ozone của quả đất.
Nhờ nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế, sau nhiều thập niên bị hủy hoại, tầng ozone của quả đất đang phục hồi. Báo cáo của UNEP và WMO công bố cuối tháng 8 vừa qua cho biết sự phục hồi của tầng ozone diễn ra chậm hơn so với hy vọng của các nhà khoa học. Dự đoán đến năm 2049, tầng ozone tại các khu vực lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á thuộc Bắc bán cầu và Nam Australia, Mỹ la-tinh, châu Phi mới có thể trở về trạng thái của trước năm 1980, chậm hơn năm năm so với dự đoán được đưa ra năm 2002. Tại Nam Cực, nơi lỗ hổng tầng ozone không ngừng lan rộng 30 năm qua, phải đến năm 2065 tầng ozone mới phục hồi, chậm hơn 15 năm so với dự đoán. Tốc độ phục hồi tầng ozone ở các khu vực nói trên diễn ra chậm chủ yếu do chưa khống chế được lượng khí CFC gia tăng theo Nghị định thư Montreal.
Năm nay, Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone (16-9) được các nước thành viên Công ước Viên và Nghị định thư Montreal kỷ niệm với chủ đề Hãy cứu cuộc sống trên quả đất nhằm nâng cao nhận thức và phối hợp hành động bảo vệ tầng ozone của quả đất.