Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Susan Solomon tại Tuần lễ Khoa học-Công nghệ VinFuture 2023 để cùng nghe Giáo sư chia sẻ về hành trình tạo nên đóng góp đột phá cho nhân loại.
Nghiên cứu khoa học và thay đổi chính sách để thay đổi hành vi con người
Phóng viên: Được biết, năm 1987, bà đã lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học thuộc NOAA đến Nam Cực 2 lần để nghiên cứu cơ chế hình thành lỗ thủng tầng ozone, trong đó bà là phụ nữ duy nhất. Sức mạnh nào khiến cho một nhà khoa học nữ như bà dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu hóa học khí quyển?
Giáo sư Susan Solomon: Thật ra đính chính lại, không chỉ NOAA mà còn NASA và đại diện 2 trường đại học, các thành phần tham gia khá đa dạng với 16 người. Trong đó, tôi là trưởng đoàn và cũng là phụ nữ duy nhất. Thời điểm ấy tôi mới 30 tuổi, còn rất trẻ. Tôi được chọn làm trưởng đoàn vì giỏi nói chuyện với báo chí và cách tôi giải thích dễ hiểu.
Để tổ chức chuyến đó, nhóm cần báo cáo thông tin thường xuyên cho Quỹ Khoa học Quốc gia và có thể tôi được chọn vì cách giải thích của tôi rõ ràng. Vậy nên, trong tương lai ai rủ tới Nam Cực thì sẽ đi luôn, không thắc mắc.
Phóng viên: Điều gì bà ghi nhận được từ chuyến đi lịch sử đó?
Giáo sư Susan Solomon: Chúng tôi đã đo đạc kích thước lỗ thủng và truy ra nguyên nhân vì sao lỗ thủng ấy lớn thế. Cụ thể là do hoạt động con người, do sản xuất hóa chất tên CFC. Ngày xưa CFC sử dụng nhiều trong tủ lạnh, điều hòa thậm chí bình xịt tóc, kem chống nóng. Khi có kết luận đó, cả thế giới sốc và thấy tồi tệ.
Từ đó các nước đã chung tay quyết định dừng sản xuất hóa chất CFC. Thực tế trước khi có quyết định đó thì người dân Mỹ cũng đã tình nguyện sẽ không sử dụng các bình xịt tóc và kem chống nắng có sử dụng CFC.
Tôi tự hào nói chuyến công tác là thành tựu lớn nhất trong lịch sử văn minh loài người về môi trường vì con người gây ra hậu quả và chính ta tìm ra giải pháp khắc phục.
Giáo sư Susan Solomon đã lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học thuộc NOAA đến Nam Cực 2 lần để nghiên cứu cơ chế hình thành lỗ thủng tầng ozone, trong đó bà là phụ nữ duy nhất. |
Phóng viên: Phát hiện nào của bà về sự suy giảm tầng ozone và hành động đầu tiên của bà là gì?
Giáo sư Susan Solomon: Hành động đầu tiên của tôi cũng là lý do tôi tới Việt Nam và có mặt ở đây. Tôi không chỉ phát hiện lỗ hổng mà cái tôi làm là dùng kiến thức hóa học để giải thích thành phần lỗ hổng sinh ra như thế nào. Khi tôi tới Nam Cực, thực hiện đo thì thấy là thành phần hóa học có tỷ lệ các chất bất thường, vì thế chứng minh được do sự tác động của con người.
Ngày trước, khi thực hiện thì các nước đều mơ hồ lo lắng về việc suy giảm tầng ozone, không biết lý do tự nhiên hay do con người. Cụ thể năm 1970 có 2 nhà khoa học quá cố đã thực hiện nghiên cứu và kết luận tầng ozone đang bị phá hủy. Tuy nhiên mức độ phá hủy thế nào thì thực tế nghiêm trọng hơn kết luận của 2 nhà khoa học đó rất nhiều.
Khi chúng tôi đưa ra kết quả lỗ thủng tầng ozone đặc biệt lớn gây ra bởi CFC, cả thế giới sốc và lo lắng. Các nước cùng nhau ký thỏa thuận chung loại bỏ dần sản xuất chất CFC. Bản thân các ngành sản xuất đều biết sớm hay muộn phải tìm sự thay đổi. Đó là bài học thành công, khi từ nghiên cứu khoa học kết hợp thay đổi chính sách để thay đổi hành vi con người.
Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Giáo sư Solomon sau đó đã thúc đẩy nỗ lực toàn cầu và dẫn đến sự ra đời của Nghị định thư Montreal. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, giúp đạt được sự đồng thuận trên toàn thế giới để loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozone như CFC.
Phóng viên: Việc vận động các nước đồng ý chung tay khó khăn ra sao?
Giáo sư Susan Solomon: Thật ra vấn đề quan trọng nhất không phải ở tầm chính sách mà nỗ lực của người dân bình thường. Vì thời điểm ấy như tôi vừa kể năm 1970 sau khi người dân biết kết quả đã bài trừ nhiều sản phẩm dùng CFC. Vì hành động người dân quyết liệt nên Nghị định thư Montreal và các doanh nghiệp phải tìm hóa chất thay thế.
Quan trọng khi giải quyết vấn đề chính là sức mạnh quần chúng và dư luận. Tôi đã tham gia đàm phán với các doanh nghiệp, các chính phủ, quốc gia và thấy động lực khiến họ thay đổi vì người dân không chấp nhận sử dụng CFC. Với nghị định thư trên, tất cả các quốc gia đã phê chuẩn.
Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Giáo sư Solomon sau đó đã thúc đẩy nỗ lực toàn cầu và dẫn đến sự ra đời của Nghị định thư Montreal. |
Tôi đã viết một cuốn sách nói về vai trò của nhân dân, nhà khoa học, Chính phủ và doanh nghiệp. Không chỉ vấn đề về ozone mà còn nhiều vấn đề khác như khói bụi, xăng chì, sơn chì, thuốc trừ sâu… thậm chí còn khó khắc phục nhưng nền móng giải quyết vấn đề đã có ở đó thì tương lai ta có thể giải quyết vấn đề khác.
"Tôi mong được chứng kiến thời điểm lỗ thủng tầng ozone biến mất"
Phóng viên: Từ khi phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone tới giờ, bà và nhóm cộng sự đã tiếp tục theo đuổi để giải quyết vấn đề này thế nào?
Giáo sư Susan Solomon: Từ thời điểm đó, tôi đã thực hiện công việc tôi nghĩ tuyệt vời và ý nghĩa là tìm bằng chứng đầu tiên lỗ thủng tầng ozone đang khôi phục. Tất nhiên sẽ tốn thời gian để hàn gắn vì hóa chất làm tầng ozone bị suy giảm đã tồn tại trong không khí thời gian dài. Nó cần thời gian biến mất.
30 năm kể từ thời điểm phát hiện bằng chứng ấy, đáng mừng là chúng tôi thấy lỗ hổng đang thu hẹp.
Tuy nhiên, hiện tại lỗ thủng vẫn còn đó, không nên lạc quan quá nhưng dần dần tầng ozone sẽ khôi phục lại.
Khoảng 20 năm nữa, tức là vào năm 2050, lỗ thủng ozone biến mất. Khi ấy tôi 94 tuổi và nếu may mắn còn khỏe mạnh, tôi sẽ được chứng kiến. Bà tôi sống tới 101 tuổi và hy vọng với gene tốt như vậy thì tôi cũng được thọ như bà.
30 năm kể từ thời điểm phát hiện bằng chứng lỗ thủng tầng ozone, đáng mừng là chúng tôi thấy lỗ hổng đang thu hẹp.
Giáo sư Solomon
"Khoảng 20 năm nữa, tức là vào năm 2050, lỗ thủng ozone biến mất. Khi ấy tôi 94 tuổi và nếu may mắn còn khỏe mạnh, tôi sẽ được chứng kiến". |
Phóng viên: Bà cảm nhận thế nào khi tương lai tầng ozone được vá?
Giáo sư Susan Solomon: Đó là câu chuyện truyền cảm hứng để ta hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn đề khác. Còn gì tuyệt vời hơn, truyền cảm hứng hơn khi thấy ước mơ thành hiện thực khi nhìn thấy vấn đề ta gây ra được khắc phục từ chính chúng ta.
Việt Nam là một đất nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời
Phóng viên: Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vậy thì bà đánh giá thế nào về cam kết này và Việt Nam sẽ phải làm gì để mà đạt được cam kết đó?
Giáo sư Susan Solomon: Tôi nghĩ toàn xã hội, toàn thế giới phải rất là nhanh chóng bởi chúng ta không thể đợi được. Trước khi đạt đến mục tiêu đó chúng ta cần phải có những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn; nếu không năm 2050 sẽ là quá muộn. Cam kết trung hạn rất quan trọng đối với tất cả chúng ta.
Phóng viên: Theo bà, thì những mục tiêu ngắn hạn và trung hạn nào mà Việt Nam có thể đạt được trong thời gian tới?
Giáo sư Susan Solomon: Vấn đề là chúng ta là phải cân bằng trong cam kết năng lượng sạch. Các bạn biết là nó liên quan đến vấn đề bình đẳng, công bằng nữa. Bởi vì theo Nghị định thư Montréal, chúng ta cần phải thống nhất và kiên định trong vấn đề củng cố năng lượng sạch.
Một vấn đề ở Việt Nam theo tôi là phải thay đổi từ việc đi xe máy, ô-tô chạy bằng năng lượng hóa thạch, sang việc đi xe điện thì ít sẽ có thể giảm được ô nhiễm môi trường rất nhiều. Ngoài ra, Việt Nam còn có việc dùng rơm rạ để đun nấu.
Một nghiên cứu khác để giúp giảm thiểu được khí thải ở Việt Nam và một số các biện pháp khác nữa như nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sạch.
Việt Nam là một đất nước có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Đất nước các bạn nên có cơ chế hỗ trợ về tài chính để hỗ trợ cho người dân có thể có những chuyển đổi như vậy. Tất nhiên đấy là một thử thách đối với một nước đang phát triển.
Phóng viên: Theo bà, những cam kết của Việt Nam với quốc tế về chất CFC liệu có thành công không?
Giáo sư Susan Solomon: Cam kết của Việt Nam đã hoàn thành tốt, Việt Nam đã không sử dụng. Điều này chứng minh sự phối hợp thành công của các quốc gia trong việc ngừng sử dụng CFC, nhằm bảo vệ tầng ozone.
Tuy nhiên là chúng ta lại phải đối mặt với vấn đề về khí CO2, là vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để chúng ta giảm thiểu được khí thải đó. Một vấn đề là giữ sự cân bằng, giữa cam kết của các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Phóng viên: Những hóa chất tạo ra cho các đám cháy rừng sẽ có tác động nào đến với biến đổi khí hậu và môi trường?
Giáo sư Susan Solomon: Như các bạn biết là vừa rồi thì có rất nhiều đám cháy rừng ở khu vực rất rộng lớn ở Mỹ, ở Australia, ở Brazil. các bạn biết các đám cháy rừng này nó tạo ra các vật thể, chất hóa học và nó sẽ tác động rất lớn đến môi trường và tầng ozone. Đó là một lĩnh vực mà tôi rất quan tâm và cũng là một trong những phạm vi mà tôi đang nghiên cứu. Điều này gần như thay đổi sự nghiệp của tôi, đấy là công trình thứ ba mà tôi đang nghiên cứu.
Như các bạn đã biết thì những đám cháy hiện nay rất lớn và các bụi khói lên đến tận cả tầng trên cùng của bầu khí quyển, chúng có tác động rất lớn.
Phóng viên: Hiệp định Montréal được xác định là hiệp định thành công nhất trong lịch sử về khí hậu, và bà nói rằng là vấn đề lớn mà nhân loại đang đối mặt là vấn đề CO2, chứ không phải vấn đề CFC. Vậy thì bà nghĩ thì làm cách nào để chúng ta có một Nghị định thư quốc tế tương tự như Montréal về CO2?
Giáo sư Susan Solomon: Vấn đề đó thực sự khó khăn hơn nhiều, bởi nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Năng lượng hóa thạch đang được sử dụng quá phổ biến, quá thông dụng. Vấn đề của năng lượng hóa thạch liên quan đến kinh tế, dù những năng lượng này tạo ra khí CO2.
Nhưng vấn đề đầu tiên là chúng ta phải nhận biết để thay đổi, từng bước giảm được khí CO2. Ví dụ chúng ta có thể sử dụng năng lượng hydrogen là nguồn năng lượng thay thế, và dùng để thay thế được năng lượng hóa thạch để giảm phát thải ra CO2.
Một vấn đề nữa là, trước kia người ta cho rằng việc đun nấu không vấn đề gì nhưng bây giờ người ta nhận thấy được là năng lượng hóa thạch phải thay đổi, không thể trì hoãn được. Khi đã nhận thức ra, người ta phải chấp nhận thực tế và phải thay đổi.
Xin cảm ơn Giáo sư Susan Solomon!
Khởi nguồn từ những tính toán của Giáo sư Mario Molina và Sherwood Rowland năm 1974, giả thuyết về tác động của CFC lên tầng ozone được giới khoa học quan tâm rộng rãi và nghiên cứu trong nhiều năm.
Tuy nhiên, phải đến năm 1986-1987, giả thuyết này mới được chứng minh một cách thuyết phục sau khi thực nghiệm tại Nam Cực của Giáo sư Solomon đã thu thập những bằng chứng tin cậy về lỗ thủng tầng ozone đặc biệt lớn gây ra bởi CFC tại khu vực này. Thực nghiệm cũng xác nhận các giả thuyết trước đó của bà về việc mật độ lớn của mây tầng bình lưu vùng Nam Cực đã tạo ra hấp dẫn điện từ với CFC.
Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Giáo sư Solomon sau đó đã thúc đẩy nỗ lực toàn cầu và dẫn đến sự ra đời của Nghị định thư Montreal. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, giúp đạt được sự đồng thuận trên toàn thế giới để loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozone như CFC.
Ngoài ra, những khám phá sâu rộng của Solomon cũng đã làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về động lực khí hậu, tập trung vào mảng như hóa hoặc khí quyển, cơ chế phản hồi khí hậu và tác động do con người gây ra đối với nhiệt độ toàn cầu. Những hiểu biết sâu sắc và khả năng lãnh đạo của bà đã định hình các mô hình khoa học và chính sách quốc tế, đóng góp to lớn cho các nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu.