Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Tăng mức trợ cấp thai sản để khuyến khích lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

NDO - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung mức hưởng trợ cấp thai sản 1 lần để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, mức trợ cấp này còn thấp, và chưa đủ hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức.
0:00 / 0:00
0:00
Cho trẻ uống Vitamin A tại quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Cho trẻ uống Vitamin A tại quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khó khăn khi sinh con của lao động nữ khu vực phi chính thức

Theo dự kiến, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, trước khi thông qua vào cuối tháng 6/2024 cũng tại kỳ họp này.

Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia tại khu vực Đông Nam Á có chính sách thai sản tốt với nhiều ưu điểm về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn một số điểm hạn chế, chưa bao trùm được hết các đối tượng trong xã hội.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, chỉ những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng các quyền lợi thai sản.

Ước tính của Chương trình Alive & Thrive cho biết, tại Việt Nam, cứ 2 trẻ sinh ra thì 1 trẻ có mẹ chưa được hưởng chế độ thai sản, do phần lớn lao động nữ hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức chưa là đối tượng của chính sách này.

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, ngay cả khi mua bảo hiểm xã hội tự nguyện thì lao động nữ ở khu vực phi chính thức cũng không được hưởng chế độ thai sản vì theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, bảo hiểm tự nguyện không bao gồm chế độ thai sản mà chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất.

Ghi nhận tầm quan trọng của việc mở rộng chế độ thai sản cho lao động thuộc khu vực phi chính thức, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có điểm mới, trong đó bổ sung mức hưởng trợ cấp thai sản 1 lần 2 triệu đồng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, dự thảo luật quy định, đối với người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho 1 con mới sinh.

Đánh giá về điểm mới này, bà Khuất Thu Hồng cho rằng, đây là động thái tích cực của Nhà nước để khuyến khích người dân mua bảo hiểm tự nguyện như một giải pháp tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức trợ cấp này còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con và cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Trong thực tế, kể cả khi họ muốn, nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức, đặc biệt là những người làm nông nghiệp hoặc tự làm, không đủ khả năng chi trả để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Và dù có đủ tiền để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức 2 triệu đồng cho 1 trẻ được sinh ra không thấm tháp gì so với chi phí để nuôi một trẻ trong thời buổi giá cả đắt đỏ như hiện nay”, bà Hồng nêu vấn đề.

Tăng mức trợ cấp thai sản để khuyến khích lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ảnh 2

Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ vùng cao. (Ảnh: TTXVN)

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng nói thêm về những lo ngại gần đây, rằng tỷ lệ sinh giảm đi kèm với xu hướng già hóa dân số nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động và tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước.

Theo chuyên gia này, trong nền văn hóa mà gia đình luôn ở vị trí trung tâm của hệ giá trị xã hội như Việt Nam, điều kiện kinh tế khó khăn mới là nguyên nhân chủ yếu của xu hướng “ngại” sinh con hiện nay.

“Chúng ta muốn con người là trung tâm của mọi chính sách xã hội thì phải có chính sách đầu tư nhất quán và hợp lý cho con người và phải theo suốt vòng đời, bắt đầu từ khi trẻ được sinh ra. Để không ai bị bỏ lại phía sau thì mọi trẻ em đều phải được đối xử bình đẳng từ khi mới chào đời”, bà Hồng nói.

Mở rộng chính sách thai sản cho lao động nữ khu vực phi chính thức

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2021, ở Việt Nam, trong nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức chiếm tới 65%.

Vì không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nên họ không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác, bao gồm cả hỗ trợ thai sản.

Do đó, lao động phi chính thức đối mặt với nguy cơ nghèo đói khi sinh con vì công việc của họ không được bảo đảm duy trì sau khi nghỉ việc. Họ cũng không được bảo đảm an toàn kinh tế cơ bản trong một vài tháng đầu sau kỳ sinh sản.

Theo ước tính của Alive & Thrive, mỗi năm có khoảng hơn 800 nghìn trẻ sinh ra có mẹ không được hưởng bất kỳ chế độ thai sản nào (chiếm 50% số trẻ sinh ra hàng năm).

Tăng mức trợ cấp thai sản để khuyến khích lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ảnh 3

Phần lớn lao động nữ ở Việt Nam làm việc ở khu vực phi chính thức. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có điểm mới bổ sung chế độ thai sản cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với mức hưởng trợ cấp thai sản 1 lần 2 triệu đồng cho một trẻ, được bảo đảm từ ngân sách nhà nước.

Với chính sách này, theo ước tính, mỗi năm có khoảng 32.690 đối tượng hưởng lợi và mỗi năm ngân sách nhà nước cần chi 65 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm vẫn còn tới gần 770 nghìn trẻ sinh ra mà bố mẹ không được trợ cấp về thu nhập.

Từ đó, Chương trình Alive & Thrive khuyến cáo nên tăng mức trợ cấp thai sản 1 lần lên mức tối thiểu 3,6 triệu đồng cho một trẻ, tương đương mức đang được đề xuất áp dụng với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo luật.

Theo phương án này, mỗi năm ngân sách nhà nước cần chi 113 tỷ đồng, và dự kiến lên tới mức 565 tỷ đồng khi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng tăng lên đạt mục tiêu 5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đến năm 2030 như Nghị quyết 28/NQ-TW đề ra.

Lý tưởng hơn, chương trình này cũng khuyến nghị mức trợ cấp thai sản 1 lần tăng lên mức 7 triệu đồng/trẻ, tương đương 3,5 tháng nghỉ thai sản được hưởng mức chuẩn nghèo thành thị. Theo phương án này, mỗi năm kinh phí nhà nước cần chi 214 tỷ đồng, và dự kiến lên tới mức 1.073 tỷ đồng vào năm 2030.

Lý tưởng nhất, đại diện Alive & Thrive khuyến nghị mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thai sản này cho mọi phụ nữ sinh con bất kể có tham gia bảo hiểm xã hội hay không. Điều đó sẽ bảo đảm toàn bộ trẻ em sinh ra tại Việt Nam sẽ có một khởi đầu tốt hơn trong những tháng đầu đời.

Mỗi năm nhà nước sẽ cần chi từ 3.594 tỷ đồng với phương án thấp nhất (hưởng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, trong vòng 3,5 tháng) tới 13.352 tỷ đồng với phương án cao nhất (hưởng theo mức lương tối thiểu vùng 4, trong vòng 6 tháng).

Mức chi này tương ứng 0,04% GDP vào năm 2020, giảm xuống 0,02% GDP vào năm 2030. Chi phí cho chính sách vẫn thấp hơn tổn thất về sức khỏe bà mẹ, trẻ em khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹ được ước tính là 2 tỷ USD (0,54% GDP) mỗi năm.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ dành cả ngày đầu tiên (ngày 27/5) trong tuần làm việc thứ 2 tại kỳ họp này để nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và tiến hành thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Tiếp đó, đến ngày 25/6, Quốc hội dự kiến sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).