10 năm qua, cả nước có 529 giống mới được công nhận, trong đó có 393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản, 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi. Công tác chọn tạo và sản xuất giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: “10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, trong đó phải kể đến sự tham gia mạnh mẽ, tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học. Nhiều thành quả nghiên cứu được tạo ra và ứng dụng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ giống cây trồng, vật nuôi mới; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp… Các giống lúa được chọn tạo được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm hơn 80% diện tích toàn vùng, trong đó giống lúa OM5451 được gieo trồng với diện tích gần một triệu héc-ta. Cây cà-phê với năng suất khoảng 27 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, ba lần so với Colombia và Indonesia. Diện tích trồng mới các giống cà-phê chọn tạo trong nước là 130 nghìn ha, chiếm 100% diện tích trồng tái canh…”.
Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được phổ biến nhân rộng giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, các kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh ứng dụng khoa học-công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra…
Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được phổ biến nhân rộng giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, các kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh.
Cụ thể, đã phát triển, nhân rộng các quy trình sản xuất chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, như “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, xuống giống tập trung né rầy, giảm lượng giống gieo sạ, tưới nước tiết kiệm…
Trong đó, quy trình kỹ thuật “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm” đến nay đã được ứng dụng cho khoảng 1,1 triệu ha lúa (chiếm hơn 35% diện tích) ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm lợi khoảng 1.617 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, nhiều công nghệ mới mang tầm quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai đã được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, điển hình như công trình thủy lợi Cái lớn-Cái bé…
Những nghiên cứu, chọn tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất đó đã giúp ngành nông nghiệp liên tục đạt được những kết quả cao trong thời gian gần đây.
Riêng năm 2023 tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD; một số mặt hàng đạt cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2020 đến nay, hệ thống khuyến nông đã chuyển giao 233 tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất trên cả nước.
Điển hình như dự án trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu, quy mô 40 ha với 17 hộ ở hai xã Trung Sơn và Đạo Viên, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tham gia.
Chủ nhiệm dự án, Thạc sĩ Trần Thanh Sơn cho biết: “Dự án thực hiện trong năm 2022 và năm 2024, sử dụng các giống keo lai mô với các dòng AH1, AH7, BV16. Các dòng này được cơ quan chức năng công nhận là giống có chất lượng cao, với điểm ưu việt là cây phát triển đều, năng suất cao hơn so với các giống keo cũ. Ngoài ra, dự án giúp tuyên truyền cho người dân chuyển đổi từ trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập”.
Phát triển nguồn nhân lực
Bên cạnh kết quả đã đạt được, lĩnh vực khoa học-công nghệ trong nông nghiệp cũng còn có những hạn chế, bất cập như: Chất lượng nguồn nhân lực ngày một giảm; thiếu nhà khoa học giỏi, đầu ngành, trong khi nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; một số nơi việc sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa hiệu quả; thiếu sự phối hợp giữa đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp, nhất là việc tiếp nhận kết quả nghiên cứu để chuyển giao vào sản xuất; chất lượng nghiên cứu nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Mặt khác, việc thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình khoa học-công nghệ còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao...
Trao đổi về vấn đề này, GS, TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Mặc dù tuyển sinh đại học tăng nhưng các ngành nông nghiệp lại giảm nên thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; sản phẩm khoa học-công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, chưa gắn kết với đào tạo; cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và nông nghiệp thông minh”.
Cũng theo Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cần khuyến khích, kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo; chủ động xây dựng và mở rộng các chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: “Ngành nông nghiệp đang đối mặt những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn tiềm ẩn đe dọa đến sản xuất nông nghiệp. Để biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đồng thời khoa học-công nghệ cũng phải gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị, mang lại giá trị gia tăng”.