Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Tỉnh Bến Tre đang tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nhằm từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Bước đầu, tỉnh đã hình thành một số chuỗi giá trị như dừa, trái cây, hoa kiểng… mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân tăng lợi nhuận.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng trồng sầu riêng VietGap tham gia chuỗi giá trị của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Vùng trồng sầu riêng VietGap tham gia chuỗi giá trị của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Đến nay, tỉnh Bến Tre có 67 tổ hợp tác, 75 hợp tác xã tham gia vào xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh hiện có 17 vùng trồng nội địa với diện tích hơn 808 ha; có 43 vùng trồng xuất khẩu được cấp 93 mã số đang hoạt động với diện tích hơn 705 ha và có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 25,6% với 24.640 ha. Diện tích được thực hiện liên kết đạt 20,6%.

Qua đó, đã từng bước hình thành liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện chuỗi giá trị còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội, môi trường…

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) ký kết hợp đồng mua phân bón và tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng với các công ty, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú Nguyễn Thị Thinh cho biết, HTX hiện có 301 thành viên đã được công nhận 5 mã số vùng trồng với diện tích 168 ha liên kết với Công ty Quỳnh Mai, Công ty Tây Nam và vựa trái cây sáu Thắm để tiêu thụ sản phẩm. HTX trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện để được công nhận sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao. HTX cũng đang thực hiện đề tài chế biến sầu riêng bằng công nghệ sấy để chế biến sâu, tăng giá trị quả sầu riêng. Hiện, HTX đã được chỉ dẫn địa lý cho 200 ha sầu riêng.

Khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX Tân Phú cũng nhận được sự hỗ trợ của các công ty liên kết thu mua sầu riêng trong mã vùng trồng với số tiền 200 đồng/kg. Phần tiền thu được, HTX trích lại một phần chi phí cho các thành viên không được hỗ trợ lương, phần còn lại, HTX đã hỗ trợ cho nông dân phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh…

Hiện, diện tích dừa tại Bến Tre tham gia chuỗi giá trị hơn 23.700 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích dừa của tỉnh. Sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị hơn 230.000 tấn; trong đó, tổng diện tích dừa hữu cơ hơn 18.000 ha và diện tích đạt chứng nhận 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản và EU.

Tại huyện Giồng Trôm, nhiều HTX hoạt động hiệu quả khi tham gia chuỗi giá trị dừa. Trong đó, về phân bón, căn cứ nhu cầu sử dụng vật tư “đầu vào” của người dân đăng ký thông qua HTX, các công ty làm đầu mối giới thiệu nguồn cung cấp phân bón hữu cơ để người dân được hưởng giá ưu đãi nhất và tránh được tình trạng phân giả, kém chất lượng.

Hiện, Công ty Lương Quới, Công ty Betrimex cung cấp trực tiếp phân bón hữu cơ cho người dân với giá dao động từ 5.000-5.800 đồng/kg phân hữu cơ, tùy chủng loại. Khi tiêu thụ sản phẩm, các công ty liên kết tham gia chuỗi giá trị dừa trực tiếp ký hợp đồng thu mua với hộ dân, sau đó thông qua HTX, đại lý thu gom tại địa phương sẽ thực hiện thu gom, sơ chế, vận chuyển sản phẩm về công ty. Giá thu mua của từng công ty khác nhau, trung bình cao hơn từ 5-20% so với giá thị trường, tùy vào chính sách của công ty và tùy thời điểm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm Lê Văn Nhân cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các ngành liên quan, gần đây, địa phương được nhiều doanh nghiệp tìm đến liên kết, xây dựng vùng trồng và bao tiêu trái dừa tươi xuất khẩu. Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp tìm đến đặt vấn đề liên kết bao tiêu trái dừa tươi. Địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; trong đó, cần phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về mã số vùng trồng trong xây dựng chuỗi giá trị.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, thời gian qua, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững...