Giải bài toán đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp

NDO - Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Mặc dù có nhiều đóng góp tích cực nhưng đời sống của những người làm khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình nghiên cứu khoa học.
0:00 / 0:00
0:00
Giải bài toán đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Đây là những vấn đề được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Hội nghị “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/5, tại Hà Nội.

Khoa học công nghệ cải thiện năng suất lao động

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, những năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Công tác chọn tạo và sản xuất giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp như các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha (chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước).

Giải bài toán đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/5, tại Hà Nội.

Khoa học công nghệ đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra…

Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng và hiệu quả mang lại là sản xuất ra được các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Sự phát triển của các nghiên cứu khoa học giúp ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành lập kỷ lục 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Các Nhà khoa học đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Mặc dù vậy, có một thực tế "trái ngược" về khoa học công nghệ hiện nay đó là mặc dù khoa học công nghệ có những đóng góp tích cực như trên nhưng những người trực tiếp làm khoa học công nghệ lại đang chịu không ít khó khăn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có một thực tế, khoảng vài chục năm trước, sinh viên ra trường vào làm trong các viện nghiên cứu là "danh giá". Nhưng hiện tại, nhiều nghiên cứu sinh, thực tập sinh đang sống trong cảnh sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online.

Giải bài toán đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp ảnh 2

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng vấn đề chính với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nằm ở bài toán về tiền đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học.

Một phần nguyên nhân, theo các viện nghiên cứu, là số lượng nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao có xu hướng giảm. Ngoài ra, sự phát triển của khối tư nhân, doanh nghiệp cũng thu hút một phần "chất xám" của các cơ sở đào tạo.

Thống kê của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo có xu hướng giảm. Con số này là 4,62% vào năm 2020, nhưng đến năm 2022 còn 4,08%.

Trong lĩnh vực khuyến nông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh thừa nhận, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trước đây giờ cần đổi mới theo hướng kết hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Ông Lịnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng những tiến bộ kỹ thuật ưu tiên, phù hợp với định hướng của Bộ đối với viện, trường, địa phương để triển khai các dự án khuyến nông theo mục tiêu chung của ngành. Đồng thời, gắn các hoạt động chuyển giao này với tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.

Đồng quan điểm trên, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Hữu Ninh đề nghị sớm rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định quản lý nội bộ, nhất là với 3 Viện xếp hạng đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tiến tới quản lý điều hành thống nhất, minh bạch, hiệu quả, khắc phục thủ tục, giấy tờ, các khâu trung gian.

Ông Ninh cho rằng việc trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ mới là một cách để huy động thêm tiềm lực cho khoa học công nghệ.

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng vấn đề chính với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ hiện nằm ở bài toán về tiền đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giờ không phải là lúc "trông chờ vào Bộ" để triển khai các nhiệm vụ khoa học. Thay vào đó, cơ sở đào tạo cần chủ động hợp tác quốc tế, liên kết với doanh nghiệp, hoặc phối hợp theo ngành dọc giữa khối viện và trường.

Một gợi ý được Thứ trưởng đưa ra, là hiện ngân sách dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của các địa phương khá lớn. Tuy nhiên, nhiều nơi mới dùng khoảng 0,5-0,6% tổng chi ngân sách.

"Theo Quyết định 569/QĐ-TTg của Thủ tướng, mức chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm từ 2% trở lên trong tổng ngân sách. Dư địa, vì thế, còn rất nhiều. Vấn đề là chúng ta có chủ động nắm lấy hay vẫn trông chờ, ỷ lại", Thứ trưởng nhấn mạnh.