Đầm Hà nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Huyện Ðầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) có thế mạnh về phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện xác định lấy phát triển sản xuất là động lực, lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng sống của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Từ đó, huyện đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng chanh leo của anh Ðặng Văn Giang ở thôn Trại Ðinh, xã Ðầm Hà, huyện Ðầm Hà, Quảng Ninh.
Mô hình trồng chanh leo của anh Ðặng Văn Giang ở thôn Trại Ðinh, xã Ðầm Hà, huyện Ðầm Hà, Quảng Ninh.

Được sự hỗ trợ của huyện Ðầm Hà, năm 2017, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Ðầm Hà thuê hơn 5 ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để phát triển mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Ðể triển khai hiệu quả việc trồng dưa lưới, công ty đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt 6.000m2 nhà màng bằng công nghệ mới, tiên tiến của Israel.

Toàn bộ quy trình trồng đều được áp dụng khoa học-công nghệ cao và trong quá trình chăm sóc dưa được công nhân giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày, tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh... Cùng với đó, huyện tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hữu Nhượng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Ðầm Hà cho biết: “Với chất lượng thơm, ngon, chuẩn sạch, sản phẩm dưa lưới Quảng Tân đã được thẩm định, đạt tiêu chuẩn 4 sao theo tiêu chí chương trình OCOP của tỉnh. Vì vậy, ngoài bảo đảm lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng cho hơn 10 lao động, sản phẩm dưa lưới của công ty mỗi năm tiêu thụ ra thị trường đạt sản lượng 100 tấn quả/năm. Công ty tiếp tục phát triển mô hình rau sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, để du khách có thể khám phá những trải nghiệm thú vị về quy trình trồng và chăm sóc các loại dưa lưới, rau thủy canh và thưởng thức những sản phẩm hữu cơ sạch của địa phương.

Mới đây, gia đình anh Ðặng Văn Giang, thôn Trại Ðinh, xã Ðầm Hà đã mạnh dạn cải tạo lại hơn 3,5 ha đất ruộng chua canh tác kém hiệu quả và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang để trồng thử nghiệm mô hình cây chanh leo. Anh Giang chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo tập huấn cũng như 70% kinh phí về giống, phân bón vật tư chính với tổng số 323 triệu đồng cho mô hình, cùng với việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong chăm sóc cây trồng, cây chanh leo phát triển tốt và cho thu hoạch vụ quả đầu tiên. Dự kiến mỗi héc-ta sẽ cho khoảng 20 tấn quả và ước đạt doanh thu khoảng từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí”.

Nhận thấy tiềm năng phát triển các sản phẩm từ cây quế, năm 2020 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Minh An Việt Nam ở xã Quảng Lâm đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị chế biến sản phẩm quế thanh, bột quế theo hướng hữu cơ. Sản phẩm của công ty dần thu hút được thị trường Nhật Bản và Singapore. Hiện, các sản phẩm quế bột và quế thanh của công ty được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Ðầm Hà.

Anh Lỷ A Tài, Giám đốc Công ty chia sẻ: Bên cạnh nỗ lực xây dựng chất lượng và thương hiệu sản phẩm, công ty đã nhận được hỗ trợ và tạo điều kiện của địa phương về mặt bằng nhà xưởng, điểm thu mua sản phẩm, hướng dẫn cụ thể để xây dựng hồ sơ, chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm quế của công ty.

Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty ký được hai đơn hàng lớn với các công ty của Ấn Ðộ và khu vực Trung Ðông, khẳng định chất lượng sản phẩm quế của công ty, ngày càng thu hút khách hàng nước ngoài.

Huyện Ðầm Hà hiện có 16 cơ sở sản xuất với 20 sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 10 cơ sở sản xuất với 14 sản phẩm OCOP sử dụng phần mềm VNPT check của VNPT để lấy mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó nổi bật là các sản phẩm: Trứng vịt biển Tân Bình, củ cải khô, củ cải phên, rượu sim, rượu khoai Quý Chuẩn, quế thanh, quế bột, chân giò nướng, dầu lạc Yên Kiều, dưa lưới, dưa chuột Quảng Tân, gà bản Ðầm Hà, chả mực, chả cá-mực Khánh Ðan, rượu khoai Quảng Lâm...

Huyện Ðầm Hà thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm; phối hợp các sở, ngành chỉ đạo, kiểm tra việc phát triển sản phẩm của các tổ chức, cá nhân bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thường xuyên đánh giá, kiểm tra chất lượng để bảo đảm uy tín, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Huyện từng bước quy hoạch, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung về thủy sản, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Toàn huyện khuyến khích các nông hộ, các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ, giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch, nông sản không dư lượng hoặc không có thành phần chất hóa học, đạt chất lượng và giá trị cao. Hướng đi này đã và đang giúp Ðầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.

Ðể nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, huyện tiếp tục bám sát định hướng lâu dài về ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng cho các nông sản. Cụ thể là tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; tiếp tục triển khai đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung và đề án phát triển rừng trồng, rừng gỗ lớn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: “Mục tiêu xuyên suốt của huyện Ðầm Hà trong các năm tới là tiếp tục thu hút đầu tư kết hợp với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và quy hoạch phát triển những vùng trồng cây đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; quyết tâm xây dựng Ðầm Hà trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Ninh”.