Thời gian qua, trên địa bàn thành phố sự phối hợp, quản lý giao thông thủy còn nhiều bất cập, để xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) thủy đáng tiếc. Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn là do có nhiều phương tiện hoạt động tự phát, ảnh hưởng đến luồng tuyến; chất lượng một số tàu, thuyền xuống cấp và ý thức chấp hành của chủ tàu, du khách hạn chế; tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn sông, rạch để xây dựng trái phép nhà ở, công trình phụ trợ, bến bãi… đang diễn ra phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT. Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, có hàng trăm sông ngòi, kênh rạch với chiều dài có khả năng khai thác vận tải thủy gần 1.000 km, trong đó có 975 km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý, bao gồm: bảy tuyến/157 km là tuyến hàng hải; chín tuyến/203 km là tuyến đường thủy nội địa quốc gia (trong đó có bảy tuyến với 56,8 km được Bộ GTVT ủy quyền Sở GTVT quản lý, bảo trì); 94 tuyến/612 km đường thủy nội địa địa phương và hai tuyến chuyên dùng. Ði dọc các tuyến sông, rạch, bến phà, đò ngang ở thành phố, dễ dàng bắt gặp những sà-lan, tàu chở hàng quá tải, vượt mớn nước; khách đi phà, đi đò không mặc áo phao. Chỉ tính riêng huyện Bình Chánh đã có khoảng 10 bến cảng, bến thủy nội địa xây dựng không phép dọc các sông Cần Giuộc, rạch Ngang, sông Chợ Ðệm, kênh Xáng - An Hạ… Những vi phạm này tưởng chừng không lớn nhưng tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên sông.
Mùa mưa, điều kiện thời tiết phức tạp, tầm nhìn hạn chế. Ðể phòng ngừa, ngăn chặn TNGT đường thủy, nâng cao ý thức người dân và chủ tàu trong việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, Sở GTVT đã phối hợp Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định đối với phương tiện chở quá trọng tải, không có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền. Trước khi xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68), Công an thành phố đã chủ động hướng dẫn phương pháp sử dụng áo phao cứu sinh an toàn cho hàng nghìn người dân tham gia giao thông đường thủy và cấp phát miễn phí hơn 1.300 bộ tài liệu tuyên truyền cho người dân về các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành nghiêm nội quy, quy định và có bảng hướng dẫn khi vận chuyển khách… Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Ðông Dương An Sơn Lâm chia sẻ: "Kiểm tra, xử lý là việc phải làm, nhưng với kinh nghiệm hơn mười năm vận tải trên tuyến sông Sài Gòn, tôi cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của chủ tàu và tài công. Các công ty vận tải du lịch đường thủy phải thường xuyên duy trì phương tiện đạt chuẩn về an toàn và tổ chức tập huấn cho nhân viên, tài công kỹ năng xử lý những tình huống thông thường để hỗ trợ du khách khi có sự cố xảy ra. Bản thân tài công phải luôn ý thức cao về công tác an toàn, không lơ là, chủ quan trong mọi tình huống, nhất là ban đêm, khi tầm nhìn hạn chế"...
Trong tương lai, khi số lượng ca-nô tăng cao, thành phố cần có quy hoạch các bến đậu ca-nô, phân luồng cụ thể và tăng cường phối hợp giữa các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Theo Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường, các sở, ngành liên quan cần tăng cường thực thi công tác cảng vụ đối với các phương tiện thủy ra, vào cảng, bến thủy nội địa theo đúng quy định; không cấp giấy phép ra, vào bến thủy nội địa cho phương tiện thủy không đủ các điều kiện hoạt động, chở quá trọng tải cho phép theo quy định; hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký vận tải hành khách theo tuyến cố định; tăng cường tuyên truyền cho người dân, du khách tham gia giao thông thủy an toàn.