Triển lãm do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố (Sở Công thương) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức. Triển lãm có 150 gian hàng, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trong các lĩnh vực về thiết kế, kiểm thử, hiệu chỉnh vi mạch bán dẫn; hóa chất và thiết bị xử lý bề mặt; thiết bị đo lường điện tử; thiết bị bảo hộ lao động trong các nhà máy công nghệ cao; giải pháp cắt, khắc gia công và xử lý bề mặt cho bo mạch.
Triển lãm cũng giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao như robot, sản phẩm tự động hóa, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong sản xuất, thị giác máy, thiết bị nhà thông minh, nhà máy thông minh; các thiết bị quang điện tử về thấu kính, lăng kính, camera hồng ngoại sử dụng cho nhà thông minh, an ninh và ô-tô; kính hiển vi, đèn phóng đại…
Trong khuôn khổ triển lãm, ban tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Triển lãm quốc tế quang điện tử 2024. Triển lãm này trưng bày các sản phẩm, công nghệ trong lĩnh vực quang học, có mối quan hệ mật thiết trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết: Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm mục tiêu kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng, ngành công nghệ cao nói chung trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận thiết lập hệ sinh thái công nghệ cao; trong đó, bao gồm các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, khu công nghệ cao, hệ thống logistisc như kho bãi, nhà xưởng, tài chính, ngành công nghiệp hỗ trợ, các startup công nghệ…
Ban Tổ chức còn tổ chức các hoạt động hội thảo, lễ ký kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp, giới thiệu và trình diễn sản phẩm. Triển lãm quốc tế ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024 và Triển lãm quốc tế quang điện tử năm 2024 được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, liên kết, liên doanh, hợp tác với các đối tác trong nước và ngoài nước; qua đó, thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao của thành phố gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố. Ngành công nghiệp này là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường đạt khoảng 600 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng.
Chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu hiện nay rất phức tạp vì nó bao gồm nhiều bước từ quá trình sản xuất nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm và phân phối, được phân theo ba khâu chính: Thiết kế, chế tạo và đóng gói. Qua thống kê, các nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và một số nước EU (Liên minh châu Âu) đóng vai trò quan trọng hàng đầu chuỗi cung ứng này và trở thành các trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện không có quốc gia nào đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất bán dẫn khép kín vì mức đầu tư cao. Chuỗi giá trị này có đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, sự phân công lao động cao và sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang tiếp tục định hình sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu, góp phần quan trọng vào các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày thông qua việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến. Ngành này không chỉ cung cấp những sản phẩm và giải pháp công nghệ đổi mới, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách chúng ta sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đây không chỉ là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, hỗ trợ Việt Nam nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0.