Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật để bảo vệ sức khỏe nhân dân

NDO - Ngày 26/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật và góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chủ trì Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo ngành nông nghiệp và thú y các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, cả nước hiện có gần 25.300 cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm, trong đó, có khoảng 440 cơ sở tập trung, còn lại khoảng 24.960 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong tổng 25.300 cơ sở giết mổ thì chỉ có 27% cơ sở có giấy chứng nhận kinh doanh, 73% không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm đối với thực phẩm động vật có nguồn gốc.

Để công tác kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/1/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật để bảo vệ sức khỏe nhân dân ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị.

Từ ngày ban hành Chỉ thị đến nay mới có 10 tỉnh, thành phố trong cả nước điểu chỉnh, bổ sung mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung, Long An là một trong các địa phương thực hiện khá tốt Chỉ thị của Thủ tướng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An được duy trì tương đối ổn định, với khoảng 123.000 con trâu bò, trên 100.000 con lợn và trên 10 triệu con gia cầm.

Toàn tỉnh, có 45 cơ sở cơ sở giết mổ được kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y. Số lượng giết mổ trong 1 ngày đêm hơn 5.500 con gia súc và 67.500 gia cầm, 85% sản phẩm động vật và gia cầm sau giết mổ được vận chuyển xuất bán tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc môn của Thành phố Hồ chí Minh, số lượng còn lại tiêu thụ nội tỉnh.

Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật để bảo vệ sức khỏe nhân dân ảnh 3

Lực lượng cán bộ thú y tỉnh Long An đóng dấu kiểm dịch động vật tại các cơ sở giết mổ trước khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh những kết quả đã làm tốt thì công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần Trung ương sớm tháo gỡ đó là: Cục thú y chưa có hướng dẫn về việc phân loại cơ sở giết mổ theo từng cấp cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ thiếu so với Đề án vị trí việc làm; chế độ làm việc đãi ngộ để bù đắp sức khẻo cho cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ vào ban đêm chưa thật sự thỏa đáng.

Nhiều địa phương chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung do vốn đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn….

Từ nhiều kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, nhất là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ tập trung thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Đối với Cục Thú y cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thú y ở cơ sở; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.