Cơ sở giết mổ tập trung đóng cửa
Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Thái Nguyên ban hành Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2013 - 2015 và sau đó lại ban hành Đề án giai đoạn 2018 - 2020, đề ra mục tiêu đến hết năm 2020 giảm 30% số hộ giết mổ động vật tự phát; 100% số cơ sở giết mổ và các điểm kinh doanh sản phẩm động vật được cấp phép theo quy định; 100% số chợ, siêu thị thuộc các phường trung tâm thành phố, thị xã và một số thị trấn huyện lỵ kinh doanh sản phẩm động vật bắt buộc phải có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Tuy nhiên, đến nay, các chỉ tiêu này gần như đã “phá sản”, cụ thể là số hộ giết mổ động vật nói chung, giết mổ lợn tự phát nói riêng giảm không đáng kể; chỉ có 12 trong tổng số 140 chợ trên địa bàn toàn tỉnh có dấu kiểm soát giết mổ; mục tiêu xây dựng 21 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, nhưng chỉ xây dựng được bảy cơ sở.
Đặc biệt, Đề án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cơ sở vật chất, phí vận chuyển, giết mổ với mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng sáu cơ sở giết mổ động vật tập trung, mỗi cơ sở có quy mô giết mổ ít nhất 200 con lợn/ngày để cung cấp thực phẩm cho các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca, siêu thị, chợ ở các đô thị, nhưng đến nay mới xây dựng được hai cơ sở giết mổ động vật tập trung. Tuy nhiên, hai cơ sở này hoạt động không hiệu quả, chỉ còn được thống kê trên giấy. Cụ thể, Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây được tỉnh hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp đầu tư số vốn hơn 10 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, lắp đặt dây chuyền giết mổ lợn khép kín, hiện đại, kho lạnh bảo quản thực phẩm với công suất từ 200 đến 300 con lợn/ngày, hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn trên diện tích 2.200 m2 ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, mỗi ngày chỉ giết mổ được từ 20 đến 25 con lợn, chỉ bằng khoảng 10% công suất thiết kế, doanh thu không đủ chi phí điện, nước, trả lương công nhân cho nên đã phải dừng hoạt động từ năm 2019, cơ sở vật chất hoang phế, lãng phí.
Giải thích lý do buộc phải đóng cửa cơ sở giết mổ của mình, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Chúng tôi mua lợn từ trang trại, gia trại về giết mổ trên dây chuyền khép kín, sơ chế, được đóng dấu kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu cho nên giá thành cao hơn hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến tình trạng các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học không nhập thịt lợn của chúng tôi. Mặt khác, các hộ kinh doanh thực phẩm không mua thịt của chúng tôi để bán lẻ trong chợ; hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn không chịu đưa lợn vào cơ sở giết mổ tập trung theo quy định. Doanh thu không đủ bù chi phí, buộc chúng tôi phải dừng hoạt động”.
Là cơ sở giết mổ tập trung duy nhất ở TP Thái Nguyên, Công ty Hưng Nguyên Thịnh đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền khép kín, cơ sở vật chất đồng bộ, theo tiêu chuẩn trên diện tích gần 5 ha ở xã Thịnh Đức (TP Thái Nguyên), công suất giết mổ từ 200 đến 500 con lợn/ngày, kỳ vọng sẽ cung cấp lượng thịt lợn rất lớn cho TP Thái Nguyên. Lễ khánh thành diễn ra hoành tráng, nhưng đến nay mới khai thác được khoảng 10% công suất, hằng tháng chủ đầu tư vẫn phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng cho nên không biết sẽ cầm cự được bao lâu, gây lãng phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 hộ kinh doanh giết mổ động vật nhỏ lẻ, trong đó chủ yếu là lợn, gia cầm tự phát, gần như chưa được kiểm soát, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư bài bản, hoạt động chuyên nghiệp lại không thể tồn tại được. Sản phẩm thịt lợn của Công ty Hưng Nguyên Thịnh và Công ty CP Thực phẩm Cầu Mây không thể vào được các bếp ăn trường học, bữa ăn ca của doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn bởi giá thành cao hơn so các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ, tự phát gần như không phải đầu tư gì.
Theo quy định, hộ giết mổ nhỏ lẻ ở thành phố, thị xã, thị trấn phải đưa lợn đến giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đóng dấu kiểm soát giết mổ thì mới được đưa vào các bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, bán ở chợ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ mua lợn về tự mổ, sơ chế qua quýt rồi chở đến bán cho bếp ăn tập thể hoặc chở ra chợ bán, vì chở đến cơ sở giết mổ tập trung phải trả phí giết mổ, phí đóng dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
Cơ quan quản lý hời hợt
Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020 được tỉnh Thái Nguyên bố trí khoảng 19 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chi phí vận chuyển, kiểm soát giết mổ, hỗ trợ cán bộ thực hiện việc kiểm soát giết mổ… nhằm mục tiêu hình thành hệ thống cơ sở giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, từng bước xóa bỏ hình thức giết mổ động vật tại hộ kinh doanh, hộ chăn nuôi. Đến nay, mặc dù UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi - Thú y ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án, chi gần 400 triệu đồng cho tổ chức hội nghị, đào tạo, tập huấn, thanh tra, kiểm tra thực hiện Đề án, nhưng các mục tiêu đề ra đều chưa đạt được.
Nguyên nhân chủ yếu là do, các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, không quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện Đề án. Không xóa bỏ được các điểm giết mổ động vật quy mô hộ gia đình, không bảo đảm quy định. Sản phẩm động vật tiêu thụ tại các chợ đô thị, siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn phải có dấu kiểm soát giết mổ, nghĩa là phải có xuất xứ từ cơ sở giết mổ theo quy định, nhưng chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng không quản lý được.
Do quản lý hời hợt, không quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng giết mổ tự phát quy mô hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm động vật không được kiểm soát giết mổ bán tự do tại các chợ, dẫn đến Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2015 thất bại và Đề án giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thái Nguyên gần như bị “phá sản”, làm cho nhà đầu tư chán nản, lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư.
Để quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền các cấp kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các bếp ăn tập trung của doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn sử dụng thực phẩm không có dấu kiểm soát giết mổ; triệt để giải tỏa chợ tự phát, điểm buôn bán sản phẩm động vật ở lề đường, hè phố; ban quản lý các chợ kiên quyết không để sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y bán trong chợ. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, kịp thời thực hiện các quy định về hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các nhà đầu tư, cơ sở giết mổ sẽ hình thành thời gian tới.
Nguy cơ “phá sản” Đề án quản lý hệ thống giết mổ động vật ở Thái Nguyên
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành hai Đề án Quản lý và Xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, cơ chế, chính sách hấp dẫn, mục tiêu đề ra cụ thể. Nhưng đến nay, cả hai đề án gần như đã thất bại mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sự vào cuộc hời hợt của các cấp, ngành chức năng.
Đầu tư dây chuyền đồng bộ, nhưng cơ sở giết mổ động vật của Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây đã phải đóng cửa sau thời gian ngắn hoạt động. |