Khó khăn trong quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

Hiện cả nước còn rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ðây được coi là bài toán không dễ tìm ra lời giải đối với các nhà quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền giết mổ thịt lợn tại Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội).
Dây chuyền giết mổ thịt lợn tại Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội).

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thu Thủy cho biết, đến nay mới có 18/63 địa phương ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung.

Trong số 433 cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm, đang hoạt động, có 45 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp, 388 cơ sở theo hình thức tập trung giết mổ.

Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít là bởi các cơ sở này có giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, sản phẩm khá kén khách, tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng tiện ích, một số bếp ăn, nhà hàng và khu công nghiệp, do đó số lượng tiêu thụ chưa nhiều.

Với mô hình này, cần có doanh nghiệp lớn đầu tư, nhưng hiện có rất ít đơn vị tham gia do rủi ro cao (hạn chế đầu ra, thời gian thu hồi vốn lâu, nguồn gia súc, gia cầm chưa ổn định…).

Hiện cả nước vẫn còn 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, song chỉ có 7.362 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hơn 70% số cơ sở còn lại không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Một số tỉnh có hơn 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ như Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình…, cho dù các nơi này đều không phải các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế không khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tạ Văn Tường cho biết, hiện thành phố có 726 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng phần lớn hoạt động chưa hết công suất. Có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, song chỉ hoạt động từ 15% đến 30% công suất thiết kế; có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Thanh, qua khảo sát ghi nhận có hơn 70 điểm giết mổ nhỏ lẻ không phép, tiềm ẩn mối nguy lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Ở cấp huyện, công tác triển khai xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, quản lý hoạt động giết mổ động vật chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi chưa hiểu rõ trách nhiệm quản lý của địa phương và trông chờ chính vào cơ quan thú y.

Thực tế cho thấy, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm do nhiều địa phương chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ “lậu”, không phép. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các địa phương đã sáp nhập Trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không chặt chẽ.

Điều này dẫn đến có nơi thậm chí không thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung, hoặc không thực hiện kiểm soát giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh bởi nguồn nhân lực của Chi cục Chăn nuôi và Thú y “mỏng”, thiếu nhân viên được đào tạo về chăn nuôi thú y, không được tập huấn về quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.

Khó khăn trong quản lý, kiểm soát giết mổ động vật ảnh 1

Kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Bến Lức, tỉnh Long An kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. (Ảnh LÊ NGỌC)

Theo các chuyên gia, để khẩn trương khắc phục bất cập nêu trên, các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ban hành ngày 14/1/2023. Tiếp tục rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung, trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới cơ sở giết mổ động vật tập trung; cùng với chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai.

Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 101/2020/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y theo hướng tăng mức phí kiểm soát giết mổ, đặc biệt đối với lợn và trâu, bò.

Đồng thời đề xuất tăng mức thu phí kiểm soát giết mổ đối với các cơ sở giết mổ động vật quy mô nhỏ lẻ cao hơn so với các cơ sở giết mổ tập trung nhằm tiến tới xóa bỏ dần hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, bảo đảm đủ nguồn thu để chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ hưởng lương từ nguồn thu.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp giảm lãi suất cho các cơ sở vay vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ.

Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Đình Hà Thanh chia sẻ, hiện thành phố đã đưa vào hoạt động 5 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, đây được coi là bước đột phá của địa phương trong công tác quản lý và kiểm soát giết mổ động vật, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và định hướng xuất khẩu.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, Trần Hùng cho biết, thời gian qua, ý thức vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh giết mổ của người hành nghề giết mổ tại địa phương đã được nâng lên, việc giết mổ nhỏ lẻ trong hộ gia đình giảm hẳn.

Hiện có khoảng 80% số lượng sản phẩm thịt gia súc bán và tiêu thụ trên địa bàn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ có kiểm soát thú y. Một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và hệ thống siêu thị trong tỉnh khi nhập sản phẩm động vật đều yêu cầu phải được giết mổ từ cơ sở giết mổ tập trung và có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc tích cực hơn nữa, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.