Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi):

Tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông là vấn đề cấp bách

NDO - Cho ý kiến về các công cụ quản lý tài nguyên nước, đại biểu Tạ Đình Thi, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông là vấn đề cấp bách hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 5/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 5/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cần thay đổi cách thức tiếp cận tư duy quản lý tài nguyên nước

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 5/6, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) nêu rõ, hai nguyên lý cơ bản trong quản lý tài nguyên nước là quản lý tổng hợp và quản lý theo lưu vực sông, tức là không theo địa giới hành chính.

Theo đại biểu, đây là lĩnh vực liên ngành, liên vùng, liên địa phương nên trong lần sửa đổi này, việc bảo đảm quán triệt các nguyên tắc quản lý được thể hiện khá sâu sắc. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật đã có sự tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, khi mà vấn đề tài nguyên nước hiện nay trên thế giới cũng có sự thay đổi về tư duy quản lý.

Đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, 3/4 nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài với các lưu vực sông chủ yếu như sông Mekong và sông Hồng đều bắt nguồn từ các quốc gia khác. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng tác động rất lớn, có vùng luôn khô cạn, thiếu nước, có vùng thì mưa thường xuyên, do đó cần thay đổi cách thức tiếp cận tư duy quản lý tài nguyên nước.

Đại biểu đánh giá, các nội dung sửa đổi lần này khá toàn diện, hầu hết các chương, điều, khoản trong luật hiện hành đã được xem xét, rà soát, sửa đổi, tập trung vào các vấn đề chính liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; vấn đề điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nguồn nước…

Tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông là vấn đề cấp bách ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Để thực hiện quản lý tài nguyên nước cần phải có các công cụ quản lý, trong đó bên cạnh hệ thống cơ quan quản lý nhà nước thì trong dự thảo Luật có đề cập đến tổ chức lưu vực sông.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, tổ chức lưu vực sông là một trong những công cụ tổ chức quản lý rất quan trọng, đã được quy định trong Luật năm 1998 và 2012, tuy nhiên thời gian qua thực tế chưa phát huy tác dụng.

Cả nước có 35 lưu vực sông liên tỉnh, chiếm khoảng 92,6% diện tích và 91% số lượng sông, suối. Hiện nay có 3 mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông, gồm: ban quản lý quy hoạch lưu vực sông, hội đồng quản lý lưu vực sông, ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Đại biểu đánh giá, kết quả hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền các tổ chức lưu vực sông này rất hạn chế, nguồn lực dành cho các hoạt động của nó rất khiêm tốn. Do đó, việc kiện toàn bộ máy và tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông là vấn đề cấp bách.

“Gần như các nước có lưu vực sông liên quốc gia, liên tỉnh đều hình thành các tổ chức này, và thẩm quyền nhà nước giao cho các tổ chức này cũng rất lớn. Ví dụ, ở Pháp, các tổ chức này có thể quy định các mức thu phí đối với những hộ sử dụng nước trên lưu vực sông”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Với hiện trạng nêu trên, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, bổ sung nội dung về tổ chức lưu vực sông; rà soát bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tổ chức lưu vực sông. Một số lưu vực sông liên tỉnh có tác động lớn đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, cần nghiên cứu để quy định vào trong dự thảo Luật.

Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể nguồn lực để bố trí cho hoạt động của tổ chức lưu vực sông, bảo đảm các ủy ban lưu vực sông hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, nếu luật hóa được cơ chế hoạt động của tổ chức lưu vực sông sẽ có tác động tốt đối với quá trình ra các quyết định hoặc thực thi các vấn đề liên quan đến lưu vực sông.

Cần có chương trình xây dựng hồ, đập lớn để trữ nước ở những vùng khan hiếm

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước xuyên biên giới hết sức phức tạp, nhất là khi nguồn nước mặt chủ yếu của nước ta là hai hệ thống sông lớn: sông Hồng và sông Cửu Long đều bắt nguồn từ bên ngoài.

Cho rằng tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát tinh thần Nghị quyết, Văn kiện của Đảng, nhất là cụ thể hóa Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, cần gắn với diễn biến tình hình thực tế những năm gần đây như: các vấn đề cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông chính, xâm nhập mặn, các hiện tượng cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện, thủy lợi trên các dòng sông, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu logistics, cảng… ở các cửa sông, cửa biển.

Đại biểu đề xuất quy định trong dự thảo Luật nội dung: Nhà nước có các chương trình xây dựng hồ, đập lớn để dự trữ nước ở các vùng miền phù hợp với tình trạng khan hiếm nguồn nước và đặc điểm địa hình, khí hậu, nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông là vấn đề cấp bách ảnh 2

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Tạ Thị Yên dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa.

Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035, chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.

“Mức độ ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4-18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời”, nữ đại biểu đoàn Điện Biên thông tin thêm.

Đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định đồng bộ với một số luật chuyên ngành về quy hoạch, bảo vệ môi trường, đầu tư… để bảo đảm nguồn nước khai thác, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Đồng thời, để tránh thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng nguồn nước thì trước khi điều chỉnh, bổ sung công trình khai thác, sử dụng nước cần phải xác định được sự phù hợp của công trình với quy hoạch về tài nguyên nước, chức năng nguồn nước, khả năng nguồn nước, cũng như sự tác động đến hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước khác.

Về tài chính nguồn nước, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lại các quy định có liên quan đến các khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành để vừa có nguồn thu, vừa tạo nguồn lực thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho việc huy động nguồn thu dịch vụ, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân...

Đại biểu bày tỏ đồng tình với những chính sách, định hướng như trong dự thảo Luật về xã hội hóa ngành nước để “nước có giá” chứ không còn “rẻ như cho” nữa, từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, khẳng định việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước là những hoạt động quan trọng để bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, tích trữ, phục hồi tài nguyên nước.