SỬ DỤNG TÀU KIỂM NGƯ ĐÃ XUỐNG CẤP NẶNG
Tỉnh Quảng Trị có chiều dài bờ biển hơn 75 km, từ vùng biển ven bờ đến vùng lộng khoảng 30 km, vùng hoạt động của lực lượng kiểm ngư rộng khoảng 2.250 km2 mặt biển. Thế nhưng, chiếc tàu của lực lượng kiểm ngư tại Quảng Trị với công suất máy chính 406 CV được Trung ương hỗ trợ đầu tư năm 1998, sau gần 27 năm sử dụng hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng, công suất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ trên biển. Chiếc tàu này được đăng kiểm định kỳ sáu tháng/lần, cơ quan đăng kiểm cảnh báo không bảo đảm an toàn cho công tác hoạt động lâu dài và trong điều kiện thời tiết bất lợi có sóng to trên biển. Trong khi đó, hằng năm, vùng biển nơi đây xảy ra hơn 10 cơn bão, hay áp thấp nhiệt đới; gió mùa, sóng to, gió lớn cũng thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng Phòng Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị vẫn sử dụng tàu duy trì bốn chuyến/tháng để tuần tra, kiểm soát trên biển. Phạm vi quản lý rất rộng, tàu kiểm ngư không đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ trên biển. Trong khi đa số tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận được đóng mới, cải hoán đều có công suất hơn 400 CV, tốc độ di chuyển tương đối nhanh, nếu có vi phạm thì tàu kiểm ngư không đuổi kịp để xử lý. Cũng không ít lần các cán bộ trên tàu kiểm ngư bị các ngư dân tàu cá đánh bắt trái phép đe dọa, dùng dụng cụ lao động đánh trả, đâm va, ngăn chặn việc thực thi công vụ. Cùng với đó, sự cố lỗi vệ tinh Thuraya T3 của Tổng công ty dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến tàu cá xa bờ bị mất kết nối hành trình, ảnh hưởng đến hoạt động ra khơi đánh bắt và việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Chỉ dựa vào kết quả từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá không có đầy đủ chứng cứ (hình ảnh, đoạn phim mô tả) cho nên rất khó khăn trong việc xử phạt những hành vi vi phạm đánh bắt sai vùng quy định.
Không chỉ gặp khó khăn về phương tiện, trang thiết bị tuần tra, kiểm soát trên biển, lực lượng kiểm ngư của tỉnh cũng gặp khó về vấn đề xử phạt hành chính. Theo quy định Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, không quy định chi cục được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người đứng đầu Chi cục Thủy sản không có thẩm quyền xử phạt. Điều này dẫn đến thực tế là năng lực thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển được phân cấp, công tác tuần tra, kiểm soát chống IUU tại các địa phương chưa bảo đảm và thiếu tính răn đe.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG KIỂM NGƯ
Tỉnh Quảng Trị có hơn 2.000 tàu cá, do vậy lực lượng kiểm ngư địa phương thường xuyên phải hoạt động trong tình trạng quá tải. Nhân sự không đủ để tuần tra, kiểm soát hiệu quả, nhất là trong các đợt cao điểm khi ngư dân tăng cường khai thác trước mùa lễ, Tết hoặc khi thời tiết thuận lợi. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, lực lượng kiểm ngư tỉnh đã và đang nỗ lực không ngừng đáp ứng các khuyến nghị của EC, hướng tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU. Từ đầu năm 2020 đến năm 2024, lực lượng này đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 213 vụ với số tiền nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân thực hiện quy định pháp luật về thủy sản; tham gia tích cực vào việc phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Nhờ những nỗ lực từ lực lượng chức năng, các hành vi khai thác IUU đã được ngăn chặn và giảm dần tại Quảng Trị. Số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 98,94%; tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 97,16%; tàu cá đánh dấu đạt 99,7%; cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm VnFishbase đạt 100%; thu nộp, nhật ký khai thác thủy sản của các thuyền trưởng tại cảng cá được thực hiện nghiêm túc, đạt 100%.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý, ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép, nghiêm khắc đối với nạn khai thác bằng giã cào tận diệt nguồn lợi thủy sản và phá hủy ngư lưới cụ của ngư dân vùng lộng. Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng các hình thức xử phạt các tàu cá gây nguy hại đến nguồn lợi thủy sản; trang bị phương tiện đủ tốc độ, đủ sức để khống chế các tàu cá vi phạm; sửa đổi, bổ sung luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.