Quảng Ngãi hiện thực hóa mục tiêu vươn mình

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Quảng Ngãi từng bước vươn lên phát triển thành tỉnh khá về mọi mặt. Đây là tiền đề quan trọng tiếp thêm sức mạnh, tạo thế và lực mới để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn mình phát triển toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên mới.
0:00 / 0:00
0:00
Với vị trí đắc địa và lợi thế vốn có, cảng biển nước sâu Dung Quất hội tụ đủ điều kiện phát triển toàn diện.
Với vị trí đắc địa và lợi thế vốn có, cảng biển nước sâu Dung Quất hội tụ đủ điều kiện phát triển toàn diện.

Những dấu ấn nổi bật

Nhìn lại 50 năm giải phóng, hơn 35 năm tái lập tỉnh, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, nhờ vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể; sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; kế thừa truyền thống và phát huy ưu thế của địa phương, Quảng Ngãi có bước phát triển đáng kể.

Hiện, tỉnh có kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên. Thu ngân sách của tỉnh tăng vượt bậc, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, thành tựu nổi bật nhất của tỉnh là lĩnh vực công nghiệp có nhiều bước đột phá. Những năm đầu tái lập tỉnh, Quảng Ngãi chỉ có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Đến nay, tỉnh đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE...

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ VSIP I; Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong và 20 cụm công nghiệp ở các địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt hơn 157.500 tỷ đồng, gấp gần 262 lần năm 1989. Công nghiệp phát triển góp phần quan trọng tăng trưởng bứt phá nguồn ngân sách trên địa bàn, với số thu năm 2024 đạt hơn 30.300 tỷ đồng, gấp 1.860 lần so với năm 1989.

Từ đó, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt 4.460 USD/người, đứng thứ 2/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước; quy mô nền kinh tế đạt hơn 132.000 tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tỉnh đã triển khai nhiều đề án, phong trào, mô hình mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng như: Mô hình "Dân tin-Đảng cử"; phong trào thi đua xây dựng "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt"; đưa cán bộ trẻ là trưởng phòng, phó trưởng phòng của các cơ quan cấp tỉnh có quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về công tác ở cấp xã để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý 5 năm, 10 năm và 20 năm sau...

Khát vọng vươn mình

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, Quảng Ngãi đã cụ thể hóa rõ nét khát vọng vươn lên thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, định hướng lớn trong giai đoạn tới là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở tập trung sáu vùng không gian kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; Vùng động lực công nghiệp của tỉnh; Vùng kinh tế sinh thái biển; Vùng kinh tế rừng xanh; Vùng kinh tế nông nghiệp; Vùng kinh tế biển, đảo.

Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng, phát triển bốn hành lang kinh tế chiến lược: Hành lang kinh tế bắc-nam; Hành lang kinh tế đông-tây phía bắc; Hành lang kinh tế đông-tây phía nam; Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ) và ba trung tâm đô thị gắn với công nghiệp và kinh tế biển tạo động lực phát triển gồm: Đô thị trung tâm, với thành phố Quảng Ngãi là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía bắc, với thị xã Bình Sơn là hạt nhân; Trung tâm đô thị phía nam, với thị xã Đức Phổ là hạt nhân.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, Quảng Ngãi đồng thời phát triển công nghiệp và năng lượng theo định hướng tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, biến nơi đây thành điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần của tỉnh; phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.