Dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ tỉnh Quảng Bình sang tỉnh Khammouane (Lào) là một nội dung trong Hiệp định về hợp tác song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2016-2020 ký ngày 27/12/2015.
Sau những khó khăn và thách thức trong giai đoạn đầu triển khai, nhà đầu tư đã tái khởi động dự án với cam kết mạnh mẽ. Ngày 20/1, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã tổ chức trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Kho xăng dầu ngoại quan Petro Lào cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Petro Lào với diện tích 9,36 ha, tổng vốn đầu tư hơn 589 tỷ đồng.
Theo ông Somvang Vongvilay, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Petro Lào, từ Quảng Bình sang Khammouane là tuyến đường bộ ngắn nhất với nhiều thuận lợi cho việc xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng biển của Việt Nam sang Lào. Ðể chủ động nguồn cung cấp xăng dầu cho khu vực trung Lào, Petro Lào đã quyết định tái khởi động dự án quan trọng này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú cho biết, triển khai thực hiện dự án Kho xăng dầu ngoại quan Petro Lào sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố, nâng cao mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực, tạo việc làm cho lao động các địa phương của hai nước.
Dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Quảng Bình sang tỉnh Khammouane sẽ giúp nước bạn Lào chủ động nguồn cung cấp nhiên liệu, còn dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên sẽ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng phía nam tỉnh Quảng Bình, kết nối với tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước tại Quảng Bình vào cuối năm 2024.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH Capella Quảng Bình là nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên với diện tích 450 ha tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.209 tỷ đồng.
Ðại diện nhà đầu tư cho biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Cam Liên, Capella Quảng Bình đã tích cực làm việc, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các ngành của tỉnh và UBND huyện Lệ Thủy lập và thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết của dự án với mục tiêu đền bù giải phóng mặt bằng nhanh-thi công để thu hút đầu tư nhanh. Trong đó, doanh nghiệp xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung đền bù giải phóng mặt bằng của dự án để có mặt bằng khởi công trong năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú cho biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cam Liên với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng là dự án lớn, tạo dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp của tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi, khu công nghiệp sẽ trở thành điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ðồng chí Phan Phong Phú đề nghị, nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết huy động vốn để triển khai xây dựng dự án bảo đảm mục tiêu, quy mô, tiến độ hoàn thành trong 60 tháng kể từ ngày được giao đất; xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, bảo đảm khai thác hiệu quả khu công nghiệp.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình và các ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất và giao đất, cấp phép khai thác nước ngầm, hạ tầng lưới điện để triển khai dự án. “Việc hỗ trợ nhà đầu tư phải rõ công việc, rõ thời gian, tiến độ, rõ hiệu quả chứ không được chung chung. Lãnh đạo các ngành, địa phương phải đồng hành với nhà đầu tư, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phấn đầu sớm đưa dự án vào vận hành theo mục tiêu đề ra”, đồng chí Phan Phong Phú nhấn mạnh.
Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh cho biết, năm 2024, trên đà phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, lĩnh vực thu hút đầu tư, Quảng Bình đã nỗ lực tạo các điểm sáng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp với cách tiếp cận mới, sáng tạo trên tinh thần chủ động và cầu thị mang lại hiệu quả thiết thực, hài hòa lợi ích giữa địa phương với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành mặt bằng Khu công nghiệp Bắc Ðồng Hới có diện tích 50 ha với hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp; hỗ trợ, đồng hành với nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục để khởi công xây dựng dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La có số vốn hơn 2.100 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2025.
Trong lĩnh vực du lịch, với đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đến năm 2030”, tỉnh Quảng Bình đã xác định chín điểm và 11 tuyến du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng có tiềm năng ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch. Sau khi UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư lớn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam.
Theo đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, những dự án đầu tiên trong năm 2025 tại Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng đã và đang bắt đầu khởi động từ khâu thủ tục hồ sơ đến các quyết định hành chính. Trong đó, có các dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, dự án đầu tư sản phẩm du lịch kết hợp giữa khám phá thiên nhiên với trải nghiệm lịch sử thông qua việc ứng dụng kỹ thuật số...
Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cam kết phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát thực địa cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, xã hội, khí hậu, địa chất, địa hình để các nhà đầu tư hình thành ý tưởng và có giải pháp khả thi đối với dự án đầu tư nhằm biến những giá trị tiềm năng của di sản thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt ở “vương quốc hang động Phong Nha-Kẻ Bàng”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2025 là phải khơi thông được các nguồn lực, tháo gỡ được những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề để tỉnh phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ðể thực hiện mục tiêu này, trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Bình cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, có cơ chế, chính sách thông thoáng, thật sự tạo được những “chiếc tổ” vững chắc, đón mời các nhà đầu tư đến với địa phương.