Không gian đờn ca tài tử (ĐCTT) tại festival lần này dành cho 21 tỉnh, thành phố Đông, Tây Nam Bộ, đã thu hút đông đảo người dân Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận tìm đến khu vực bờ hồ công viên thành phố mới Bình Dương để thưởng ngoạn.
Tại đây, mỗi đơn vị được Ban tổ chức bố trí một không gian rộng 50 m2, thiết kế cách điệu theo hình trái măng cụt. Các câu lạc bộ ĐCTT của mỗi tỉnh, thành phố trang trí không gian của mình phù hợp với văn hóa, phong cách của địa phương. Cạnh bên không gian ĐCTT là không gian ẩm thực để các đơn vị bày bán đặc sản quê nhà, phục vụ du khách các món ăn đặc trưng của quê hương mình. Các câu lạc bộ không chỉ biểu diễn ĐCTT phục vụ du khách, mà còn chơi, giao lưu ĐCTT với các đội bạn, mời khán giả lên sân khấu ca giao lưu, hoặc hướng dẫn khán giả cách hát, chơi thử một vài nhạc cụ ĐCTT.
Anh Duy Lâm, nhà ở Phú Cường, Bình Dương dẫn cả nhà đi nghe ĐCTT vui vẻ chia sẻ: “Hồi nào giờ tôi chỉ nghe nhạc trẻ, không rành ĐCTT, giờ được trực tiếp nghe các tài tử chơi, thấy họ hát “sung” quá, mấy bài, bản dù tôi không biết tên nhưng nghe hay quá trời!”.
Hội thi nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ lần 2 tại Trung tâm văn hóa điện ảnh Bình Dương chỉ diễn ra ban ngày cho nên không có quá đông khán giả, nhưng là hoạt động được người trong giới chú ý. Đáng mừng là năm nay khá nhiều đội trình làng nhiều gương mặt trẻ, cả tài tử ca và tài tử đờn. Soạn giả Đăng Minh bày tỏ: “Năm nay, nghe mấy bạn trẻ ca tài tử tôi thích quá. Nhiều bạn, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng bài bản, nhịp nhàng rất chắc. Lối ca của các bạn rất tươi tắn, trẻ trung nên người nghe cảm thấy rất hấp dẫn”.
Trong dàn đờn, nhiều đơn vị mạnh dạn giao cho các tay đờn trẻ. Có dàn đờn 5 cây nhưng hết 3 cây là do người trẻ chơi và còn được tin tưởng giao dự thi độc tấu như tiết mục độc tấu đờn kìm của Nguyễn Nghiệp, mới 23 tuổi đến từ Kiên Giang.
Theo nhiều người, ĐCTT xứng đáng là báu vật phương nam. Soạn giả Đăng Minh phân tích, âm nhạc ĐCTT rất hay, cái gì cũng… “tới bến”. Nghĩa là vui tới bến, hùng tới bến và bi cũng tới bến. Bởi thế người nghe được thỏa mãn và người ca cũng đã đời! Ông Minh hào hứng cho biết thêm: “Đi nghe ĐCTT, tôi như được nạp thêm năng lượng. Nòng cốt của âm nhạc cải lương chính là ĐCTT. Có nhiều bài, bản ĐCTT hay lắm. Tuy nhiên, để ca, để đờn một bài, bản tài tử cho chuẩn phải mất nhiều thời gian tập luyện cho nên không ít ông bầu cải lương ngày xưa lược bớt bài, bản khó, dẫn đến một số bản hay chưa được khán giả biết đến nhiều. Sắp tới, tôi sẽ viết một vở cải lương khôi phục lại những bài, bản tài tử hay. Có thể nó sẽ không mang tính thị trường, phổ rộng, nhưng tôi muốn được chơi nghề. Làm được vài cái như vậy, có chết cũng không hối tiếc đời soạn giả”.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chơi ĐCTT đúng nghĩa là những người ở mọi ngành nghề khác nhau và họ không sống bằng hoạt động biểu diễn ĐCTT. Họ chơi ĐCTT một cách không vụ lợi, tính toán, chơi chỉ vì yêu thích và có nhu cầu được ca, được hát”.
Nghệ nhân Ưu tú Đặng Long, Trưởng đoàn ĐCTT Bình Thuận cũng tán đồng. Ông chia sẻ, ở Bình Thuận, người ta chơi ĐCTT không thua gì các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hễ có lời mời giao lưu ĐCTT ở đâu là họ hùn tiền bao xe tự đi chứ chẳng cần ai tài trợ.
Có lẽ chính vì tính phóng khoáng, vô tư như thế cho nên ĐCTT ngày nay vẫn mang sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa ở không gian khá rộng lớn. Thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngày nay, ĐCTT còn có nhiều chỗ chơi hơn ngày xưa. Ngày xưa, muốn chơi ĐCTT, người ta phải đến những nhà có hoạt động ĐCTT, đám tiệc, cung đình…; còn bây giờ, các câu lạc bộ ĐCTT ở các địa phương rất nhiều. Từ năm 2000, khi Nhà nước động viên, khuyến khích thì từ xã, phường tới thành phố, chỗ nào cũng có câu lạc bộ ĐCTT. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý là số lượng tăng nhưng chất lượng vẫn chưa theo kịp. Chúng ta cần chú ý phát triển đội ngũ kế thừa, mở thêm các lớp dạy ĐCTT cho công chúng. Ở festival này, Ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn thiếu chiều sâu. Các cuộc thi sáng tác lời mới cho các bài, bản ĐCTT thu hút khá đông tác giả tham gia, song chúng ta phải chú ý nâng cao tính văn học, cấu trúc, câu từ, cú pháp trong mỗi tác phẩm để đưa ra công chúng những bài, bản hay và có ý nghĩa.