Ít ai biết bà Lê Thị Tái (67 tuổi, quận 2) là thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 65%. Năm 1991, bà theo chồng về xã Thạnh Mỹ Lợi, huyện Thủ Đức (nay là quận 2) sinh sống. Chồng bà cũng là thương binh, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, một mình bà vừa phải lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc con nhỏ. Nhưng bà Tái không quản gian nan, tần tảo lo toan cho gia đình. Ban đầu bà chăn nuôi heo, trồng rau. Thu nhập ổn định, gia đình bà tích góp được một số tiền và mua thêm đất để làm nông trại. Bà rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và đang là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thạnh Mỹ Lợi. Cứ có hộ nào cần cây, con giống, hay các cụ trong phường đau yếu cần thuốc men là bà Tái đều có mặt để giúp đỡ.
Thương binh hạng 4/4 Huỳnh Thanh Tấn (70 tuổi, quận 10) mặc dù thường xuyên bị vết thương cũ hành hạ nhưng hằng ngày, ông vẫn miệt mài bốc thuốc, khám bệnh, châm cứu, đọc sách, nghiên cứu mày mò để chế ra những bài thuốc mới. Ngay sau khi nghỉ chính sách, ông có ba năm “đèn sách” học nghề đông y tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh. Từ đó, lương y Huỳnh Thanh Tấn vừa bốc thuốc, khám, chữa bệnh, vừa châm cứu miễn phí cho người nghèo. Với niềm tin sắt son và tấm lòng của người đảng viên 72 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, người thương binh Huỳnh Thanh Tấn đã minh chứng cho lý tưởng sống của ông, người lính một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hồ Chí Minh, mỗi một cuộc đời đều có những nỗi đau, sự mất mát riêng nhưng bản thân các thương binh luôn có sức mạnh và nỗ lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh. Thương binh hạng 4/4 Tăng Mạnh Hùng (57 tuổi, quận Bình Tân), luôn cố gắng vươn lên, không đầu hàng số phận. Ông Hùng đã hợp tác với các giáo viên trên địa bàn quận mở lớp dạy kèm học sinh tại nhà. Qua nhiều năm tích cóp, hiện nay kinh tế gia đình ông rất ổn định; các con ông trưởng thành và đã đi làm. Ông cũng tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội do địa phương phát động như vận động hiến đất mở hẻm, góp gạo cho người bất hạnh, chung tay chăm lo trẻ cơ nhỡ…
Riêng nữ thương binh hạng 3/4 Đỗ Thị Thanh Thu (quận Tân Bình), dù đã 83 tuổi nhưng ngày ngày bà vẫn cố gắng vượt qua cơn đau hành hạ, chăm nuôi đứa con bị nhiễm chất độc da cam. Bà Thu kể: Tôi bị đạn bắn vào lưng làm ảnh hưởng cột sống nên chỉ làm được các việc nhẹ, lại tuổi già nên chỉ gom góp mua bán nhỏ, mục đích là đủ sống. Mỗi khi có dư chút đỉnh, tôi lại đi thăm đồng đội cũ, ôn lại quá khứ, lấy đó làm niềm vui. Hiện nay, bà Thu vẫn tần tảo mua bán để tự lo cho mình và con trai. Ngoài ra, bà còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như nhận nuôi bà Nguyễn Thị Phòng (quận Phú Nhuận), đang có hoàn cảnh khó khăn.
Tương tự như thế, ông Nguyễn Văn Dũng (54 tuổi, huyện Hóc Môn) là thương binh hạng 4/4 với tỷ lệ thương tật 31%, suy giảm sức lao động. Khi ông xuất ngũ về địa phương, với nghị lực của người lính, ông Dũng mạnh dạn vay vốn của Hội Nông dân xã Nhị Bình để mua hai con bò sữa. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến nay đàn bò của ông đã tăng lên 40 con. Kinh tế gia đình của người thương binh này ngày càng khá giả, các con ông Dũng đã trưởng thành và có việc làm ổn định.
Nói về các thương binh của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, những thương binh đi ra từ cuộc chiến tranh dù phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát phải để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường nhưng vẫn luôn luôn giữ vững khí phách của Bộ đội Cụ Hồ, không ít người trong số họ hiện đang đối mặt với khó khăn đời thường, nhưng đều nỗ lực vươn lên, đóng góp hết sức mình cho xã hội, trở thành tấm gương cho cả xã hội, nhất là thế hệ trẻ đứng vững và đi lên.