Rút gọn quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Ngày 31/12/2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư số 56/2017/TT-BYT).
Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát/hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT về quy định trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cụ thể, ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát/hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Thông tư mới ban hành cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 của Thông tư số 56/2017/TT-BYT như sau: “Nội dung khám giám định để hưởng chế độ hưu trí, chế độ tuất và nghỉ do không đủ sức khỏe để nuôi con sau khi sinh hoặc nghỉ dưỡng thai, nhận con nhờ mang thai hộ, khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần căn cứ theo các giấy tờ quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 5 và khoản 2 Điều 12 Thông tư này phù hợp với từng trường hợp.
Trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ.
Trường hợp mắc những bệnh khác được hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì Biên bản giám định y khoa phải kết luận rõ các nội dung mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.”.
Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/2/2023 tới.
Hơn 895 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến hết năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết 1.113.164 người hưởng trợ cấp một lần, trong đó 895.598 người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trước đó, chia sẻ trong Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Còn Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho hay, trong giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Con số này chưa tính số người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết.
Ông Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh, con số này năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm chiếm 98,8% tổng số lượt người hưởng một lần trong giai đoạn 2016-2021. Số người hưởng một lần theo các điều kiện khác chiếm ít hơn.
Thời gian vừa qua, tốc độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng tăng qua các năm.
Trong 5 năm qua, bình quân khoảng hơn 800 nghìn người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.
Theo lý giải của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do các chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Đồng thời, do tác động tiêu cực của các dịch bệnh hơn hai năm qua khiến đời sống của người dân cũng như người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào số tiền rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống.
Như vậy, trong 5 năm qua, bình quân khoảng hơn 800 nghìn người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.
Số người hưởng bảo hiểm xã một lần ước tính năm 2022 là khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. So với bình quân các năm vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, mức tăng của năm 2022 không phải bất thường.
Việc hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế-xã hội. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đồng thời, khi đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Các trường hợp được nhận bảo hiểm xã hội một lần
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo hiểm xã hội một lần như sau:
- Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
+ Ra nước ngoài để định cư;
+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
+ Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.